Sao mạng ảo thu hút người trẻ Trung Quốc
Hợp tác với người nổi tiếng là cách hầu hết nhãn hiệu thời trang xa xỉ dùng để tiếp cận giới trẻ ở Trung Quốc. Song, không phải ngôi sao nào cũng là người thật.
Xu hướng KOL, influencer (người có ảnh hưởng trên mạng) ảo tiếp tục nở rộ trên mạng xã hội ở Trung Quốc, theo Jing Daily.
Những ngôi sao này sinh ra nhờ kỹ thuật đồ họa CGI và được xây dựng có cuộc sống y hệt con người, có tính cách, đam mê riêng. Hình ảnh về thói quen, công việc hàng ngày được chia sẻ thường xuyên lên trang cá nhân.
Ling là một ví dụ điển hình. Ra đời vào tháng 5/2020, Ling kết hợp giữa vẻ đẹp truyền thống của Trung Quốc với phong cách thời trang đường phố đương đại. Vẻ ngoài này giúp Ling nhận sự yêu thích từ dân mạng.
Sau một năm ra mắt, Ling đã làm việc với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Tesla, Vogue và chuỗi cửa hàng trà thời thượng Nayuki.
Arnold Ma, người sáng lập và giám đốc điều hành của cơ quan kỹ thuật số Qumin, cho biết việc các thương hiệu ở Trung Quốc hợp tác với người mẫu ảo đang theo chiều hướng đi lên.
“Các hot boy, hot girl ra đời từ trí tưởng tượng như Ling, Luo Tianyi, KFC’s Colonel Sanders, Tmall’s Aimee, PokaPoka và L’Oreál’s Mr Ou đều nổi tiếng với thế hệ Gen Z ở xứ tỷ dân. Dù KOL ảo vẫn chưa đạt đến đỉnh cao, tiềm năng trước mắt rất lớn", anh giải thích.
Trước đó, cuối tháng 3, làn sóng tẩy chay các thương hiệu thời trang nước ngoài - bao gồm H&M, Nike, Adidas và Burberry - lan rộng khắp Trung Quốc sau khi các nhãn hiệu phương Tây nói về việc người lao động Ngô Duy Nhĩ bị cưỡng bức sản xuất bông ở Tân Cương.
Trong vòng một tuần, ít nhất 44 người nổi tiếng và nhiều sao mạng khác đã chấm dứt mọi hình thức hợp tác với các thương hiệu nói trên.
Các chuyên gia marketing Trung Quốc cho hay vụ việc đã đặt ra vấn đề cho các thương hiệu muốn kinh doanh ở nước này: tìm cách điều chỉnh chiến lược sử dụng người nổi tiếng. Và KOL ảo trở thành giải pháp thay thế dễ dàng.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng nhận về một số hoài nghi, đặc biệt là khi xét đến kết quả kinh doanh cụ thể.
Elisa Harca, đồng sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Red Ant Asia, cho hay vẫn còn quá sớm để xác định chính xác sự bùng nổ của nhóm sao mạng ảo.
Trên Bilibili, một nền tảng có đông đảo người dùng trẻ tuổi Trung Quốc, những người thật có sức ảnh hưởng, nổi tiếng nhất trung bình có 10 triệu lượt theo dõi.
Tuy nhiên, với các KOL ảo, lượng theo chân cao nhất chỉ đạt mức 2 triệu.
Ngoài ra, tiếng nói ủng hộ thương hiệu của "người thật việc thật" vẫn được coi là có giá trị lớn hơn.
“Dù những hot girl, hot boy ảo đã xuất hiện cách đây vài năm, những tên tuổi có thật ngoài đời vẫn là phương tiện quảng bá hiệu quả nhất trong lĩnh vực thời trang, đồ dùng xa xỉ. Họ chiếm vị trí cao nhất khi cần tiếp cận cộng đồng", Harca cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sao-mang-ao-thu-hut-nguoi-tre-trung-quoc-post1212334.html