Sao nhí Trung Quốc bị lợi dụng thế nào ở game show truyền hình?
Sao nhí ở showbiz Hoa ngữ có thể kiếm được rất nhiều tiền. Điều này khiến các bé bị ép làm việc đến kiệt sức.
"Mẹ gọi điện làm gì", sao nhí hàng đầu Trung Quốc - Vương Thi Linh tỏ vẻ khó chịu, chưa kịp nghe MC Lý Tương nói hết câu đã ngắt điện thoại dù đang lúc quay show. Thái độ hằn học của con gái khiến nữ nghệ sĩ lúng túng.
Vương Thi Linh sinh năm 2009, là con gái của MC Lý Tương và đạo diễn Vương Nhạc Luân.
Vương Thi Linh một bước thành sao nhí được săn đón, sở hữu hàng triệu người hâm mộ nhờ tham gia show truyền hình Bố ơi mình đi đâu thế? phiên bản Trung.
Nhờ danh tiếng sau chương trình, Vương Thi Linh trở thành khách mời VIP tại nhiều sự kiện với mức thù lao lên tới 13.000 USD/ngày, cao hơn cả cát-xê của cha mẹ.
Trên mạng xã hội, công chúng bày tỏ thái độ không hài lòng trước thái độ của Vương Thi Linh với cha mẹ.
Khán giả cho rằng việc nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền từ quá sớm cũng như sự chiều chuộng con gái quá mức của vợ chồng Lý Tương, đã khiến sao nhí sớm tự tin quá mức.
"Trẻ em bị ngôi sao hóa, được tung hô và săn đón khi còn quá nhỏ đã kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội, quan trọng nhất vẫn là gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, lối sống của các em. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng cục ban hành quy định hạn chế trẻ em xuất hiện trên các chương trình truyền hình, game show", Tân Hoa Xã nhận định.
Show trẻ em hái ra tiền
Tại thị trường châu Á, Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Từng có giai đoạn, các đài truyền hình ở đất nước tỷ dân đua nhau sản xuất loạt show lớn nhỏ có sự tham gia của các em nhỏ dưới tuổi thành niên.
Số lượng lên đến hàng chục chương trình với mô típ gần giống nhau như cha mẹ là người nổi tiếng và các con tham gia, nghệ sĩ trải nghiệm cuộc sống thực tế cùng thiếu nhi hay show tìm kiếm tài năng nhí.
Thời đại của các chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ em bắt đầu từ năm 2013. Khởi điểm là show Bố ơi mình đi đâu thế? được đài Hồ Nam mua bản quyền format từ đài MBC Hàn Quốc.
Ngay lập tức, Bố ơi mình đi đâu thế? trở thành show thực tế ăn khách nhất Trung Quốc lúc bấy giờ vì có nội dung mới lạ khi hướng đến giá trị văn hóa gia đình, xoáy sâu vào mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, thái độ ứng xử và sự trưởng thành vượt trội của các bé theo thời gian khi bước ra thế giới bên ngoài.
Ăn theo chương trình này, nhiều đài truyền hình lớn thực hiện các show thực tế tương tự như Chiết Giang với Cha trở về rồi!, Nhóc con lo liệu việc nhà; Giang Tô với My Youth Souvenir Book; Bắc Kinh vệ thị với Tiết học của đại sư âm nhạc, The Two Generation Era, Hòa âm hay nhất; Hắc Long Giang với Anh hùng thiếu niên...
Các em được truyền thông ưu ái gọi là “ngôi sao nhí thế hệ mới”, “thần đồng showbiz”. Cùng với đó các bé liên tục tham gia hoạt động nghệ thuật, chụp ảnh quảng cáo với cát-xê ở mức trên trời.
"Đó là thời kỳ mà đứa trẻ nào cũng mơ ước bản thân sẽ là người nổi tiếng trên sóng truyền hình, còn cha mẹ thì ngược xuôi dẫn con tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng nhí với mục đích biến con trở thành ngôi sao giải trí", QQ cho biết.
Con trẻ trở thành "cỗ máy in tiền"
Thực tại này làm không ít người lớn lo ngại về việc các bậc cha mẹ lẫn nhà đài lợi dụng con cái để kiếm tiền, ép buộc những đứa trẻ dành nhiều thời gian rong ruổi trên phim trường hơn là phát triển bình thường giống các bạn bè đồng trang lứa.
Và giới chức Trung Quốc cũng sớm nhìn nhận được vấn đề và cả hệ lụy kéo theo về lâu dài trước cơn sốt của các game show thực tế có trẻ em tham gia.
Theo thống kê của Bắc Kinh nhật báo, chỉ trong một năm phát triển, lợi nhuận quảng cáo thu được từ các show có sự góp mặt của các em nhỏ là hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng doanh thu.
Báo cáo tài chính của đài Hồ Nam cho thấy, phí quảng cáo tăng theo cấp số nhân qua mỗi mùa. "Mức tăng 18 lần chỉ trong 3 năm là con số không tưởng cho một chương trình truyền hình", Tân Hoa Xã nhận định.
Không chỉ đơn vị sản xuất, cha mẹ các sao nhí cũng là những người hưởng lợi từ sự nổi tiếng của con cái. Nam diễn viên Lưu Diệp và con trai Nặc Nhất từng được trả hơn 6 triệu NDT/ngày để góp mặt trong show Bố ơi mình đi đâu thế?. Người mẫu Trương Lượng thậm chí còn thẳng thắn chia sẻ nhờ sức hút của con trai, giá cát-xê của anh tăng gấp 20 lần.
Tình trạng làm giàu nhờ trẻ em và biến con trẻ trở thành "cỗ máy kiếm tiền" là một hiện tượng bị tiêu cực đối với xã hội, Thanh niên tuần báo đánh giá.
Lạm dụng sức lao động và hệ lụy giáo dục
Việc các chương trình trẻ em nở rộ khiến nhiều cô bé, cậu bé nhỏ tuổi trở thành cái tên phủ sóng mạnh mẽ trên sóng truyền hình và mặt báo. Tuy nhiên, theo Ifeng, đằng sau những khuôn mặt đáng yêu, tự tin trước ống kính là không ít sự đầu tư, chiêu trò xây dựng hình ảnh của ê-kíp.
Để kiếm ra tiền, các em cũng bị yêu cầu thực hiện các cảnh quay chuyên nghiệp như người lớn đằng sau ống kính để cho ra những thước phim mượt mà, chân thực nhất đến với khán giả.
"Bất kể trời mưa gió, nắng gắt hay giá rét, các em đều phải hoàn thành kịch bản mới được nghỉ ngơi. Nụ cười ánh mắt ngây thơ của con trẻ dần bị công nghiệp hóa bởi người lớn", Ifeng cho biết.
Dư luận Trung Quốc từng phẫn nộ khi chứng kiến cảnh Arale Thôi Nhã Hàm mệt mỏi nằm sấp xuống bàn, òa khóc nức nở vì nhớ cha mẹ và em trai. Trong Bố ơi mình đi đâu thế? mùa 4, cô bé từng mếu máo cho biết lý do tham gia chương trình là để "giúp mẹ kiếm tiền nuôi em".
Trên thực tế, rất nhiều sao nhí đã và đang khủng hoảng, trầm cảm và bị vắt kiệt sức vì lịch làm việc "khổ sai" vượt quá giới hạn tuổi tác, đối mặt với hàng nghìn bình luận ác ý mỗi ngày. Nhiều bé còn hình thành tư tưởng ỷ lại vì tưởng rằng mình là trung tâm vũ trụ, tự bỏ rơi sự học và phấn đấu nghiêm túc, dẫn đến sự trượt dài trên đường đời.
Trên tờ Nam Đô, vận động viên kiêm diễn viên Điền Lượng cho biết vợ chồng anh từng bất hòa, suýt đổ vỡ hôn nhân vì con gái Sâm Diệp không thích đến trường học, chỉ muốn ra ngoài biểu diễn nghệ thuật và có tư duy chống đối khi bị cha mẹ khước từ.
Lâm Chí Dĩnh cũng thừa nhận sau khi tham gia show thực tế, con trai Kimi trở nên khó dạy hơn. Về sau, anh không để Kimi xuất hiện trước truyền thông, luôn che mặt con trong mọi bức ảnh.
Siêu mẫu Trương Lượng cho biết để con xuất hiện trên truyền hình là nước đi sai lầm của anh. Vì nổi tiếng quá sớm, con trai nam nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập với bạn học và luôn bị áp vào khung tiêu chuẩn cao, khắt khe hơn bạn bè đồng trang lứa.
Tống Thiếu Vệ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Nhân văn Đại học Thanh Hoa cho biết trẻ em trong giai đoạn trưởng thành vô cùng nhạy cảm. Việc các em bị "thổi phồng" và "chín ép" quá sớm sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý.
Nhất là trong thời đại phương tiện thông tin đại chúng phát triển, trẻ em có thể tiếp xúc với nhiều bình luận cực đoan. Điều này sẽ hình thành bóng ma tâm lý và áp lực cho cuộc sống của các em.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ sớm đặt ra các quy định về việc khai thác sức lao động của trẻ vị thành niên khi tham gia showbiz để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 4/2016, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc (SARFT) đưa ra lệnh “kiểm soát ngành giải trí”. Cơ quan này yêu cầu hạn chế các chương trình có trẻ em dưới tuổi thành niên tham gia. Các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, show truyền hình thực tế bị kiểm soát kỹ.
Sau cú “tuýt còi” của Tổng cục, số lượng chương trình có sự xuất hiện của trẻ em tại Trung Quốc rất hạn chế, nội dung được phát sóng thận trọng, hướng đến giá trị cộng đồng.
Show thực tế Người cha nơi phương xa, hướng thanh thiếu niên đến giá trị thiện nguyện hay Thiếu niên nói - mang định hướng giáo dục các em thể hiện sự tự tin và bày tỏ suy nghĩ của mình trước đám đông, là số ít chương trình được Tổng cục thông qua, tạo điều kiện phát sóng vào khung giờ vàng trong vài năm trở lại đây.
“Phải nhớ rằng trẻ em không phải là công cụ kiếm tiền của người lớn. Chúng ta cần chung tay tạo môi trường hoàn hảo về thể chất và tâm lý để các em nhỏ được bảo vệ và có được sự phát triển tốt nhất. Không phải ngẫu nhiên báo giới thường xuyên cảnh báo về sự sa ngã của những sao nhí”, Ifeng bình luận.