'Sao Tháng Giêng' trên trên trời biên giới Cha Lo

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Cha Lo, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình đúng dịp đơn vị tổ chức trao hỗ trợ cho những học sinh được nhận đỡ đầu trong Chương trình 'Nâng bước em đến trường'.

Thay vì tập trung các em ở đơn vị để phát hỗ trợ, Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên của Đồn đã cùng cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà trao tặng và động viên gia đình. Theo các anh đi địa bàn, tôi hiểu rằng, câu chuyện “Nâng bước em đến trường” của những người lính biên phòng nơi cổng trời này không chỉ đơn giản là mỗi tháng hỗ trợ tiền sách bút mà đằng sau là cả những câu chuyện đầy nhân văn, nghĩa tình.

 Trung tá Dương Đình Hoàn (thứ hai bên trái) thăm hỏi gia đình Hồ Thị Thây trong những ngày em đi học xa nhà.

Trung tá Dương Đình Hoàn (thứ hai bên trái) thăm hỏi gia đình Hồ Thị Thây trong những ngày em đi học xa nhà.

Là Chính trị viên của Đồn, Trung tá Dương Đình Hoàn là người luôn sát sao việc thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” của đơn vị. Anh cho biết, đơn vị hiện nhận đỡ đầu 7 học sinh. Hằng tháng, mỗi em được hỗ trợ 500 ngàn đồng (do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp) và khi có các đoàn từ thiện đến tặng quà, các em luôn nằm trong danh sách ưu tiên. Trung tá Dương Đình Hoàn chia sẻ, sở dĩ anh luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho các em là bởi anh cũng từng ở trong hoàn cảnh ấy - hoàn cảnh của cậu học trò luôn khát khao được đến trường nhưng bị cái nghèo bủa vây. Đỗ vào Học viện Biên phòng năm 2001, nhiều người nói rằng thế là “ấm thân”, không cần phải cố gắng gì nữa nhưng anh vẫn luôn nỗ lực. Năm 2003, anh là học viên duy nhất của Học viện Biên phòng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Sao Tháng Giêng” vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Suốt những năm qua, bằng tình thương và trách nhiệm, anh và đồng đội đã giúp những học sinh đang ở bước đường cùng lại mở ra cánh cửa đầy hy vọng, giúp các em viết tiếp ước mơ của mình.

 Nhờ có sự giúp đỡ của Trung tá Dương Đình Hoàn và Đồn BPCKQT Cha Lo, Hồ Thị Thây đã tiếp tục được đến trường.

Nhờ có sự giúp đỡ của Trung tá Dương Đình Hoàn và Đồn BPCKQT Cha Lo, Hồ Thị Thây đã tiếp tục được đến trường.

Trong câu chuyện của Hồ Thị Thây (bản Hà Nông, xã Dân Hóa, Quảng Bình), Trung tá Dương Đình Hoàn luôn được em và gia đình nhắc đến như một ân nhân. Năm 2016, Hồ Thị Thây mới 14 tuổi nhưng đã là trụ cột chính của gia đình. Mẹ của Thây bị thoát vị đĩa đệm và lao xương nên chỉ nằm một chỗ. Chị gái lớn đã lấy chồng xa, anh trai Hồ Thi đi học ở TP Đồng Hới. Lúc ấy, cứ một ngày đi học, một ngày Thây lên rẫy tìm những thứ có thể bán lấy tiền nuôi anh đi học, nuôi mẹ, nuôi em trai Hồ Phong mới lớp 5. Năm 2016, Trung tá Dương Đình Hoàn kết nối với tổ chức từ thiện Chí Thiện đưa mẹ em ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chữa trị. Trong hai tháng, tổ chức từ thiện đã lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho mẹ con Thây. Nghỉ học một năm nhưng em vẫn luôn mong được trở lại trường học. Tháng 6-2018, Đồn BPCKQT Cha Lo phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Đồng Hới tổ chức Chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương” tại xã Dân Hóa. Trung tá Dương Đình Hoàn đã đề xuất tặng lợn giống cho mẹ con của Thây bởi: Nếu gia đình bớt khó khăn, Thây có thêm cơ hội. Sau đó, anh cũng liên hệ nhiều nơi để Hồ Thị Thây được trở lại trường học. Trước hoàn cảnh của cô gái hiếu học có tấm lòng hiếu thảo, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình đã đồng ý tiếp nhận em. Trung tá Dương Đình Hoàn cũng vận động Hội LHPN TP Đồng Hới tặng Thây học bổng 5 triệu đồng trong năm học 2017-2018. Từ năm học 2018-2019, Hồ Thị Thây được Đồn BPCKQT Cha Lo nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Trường hợp của Hồ Thị Phương (bản Ka Định, xã Dân Hóa) khiến ai cũng xót xa. Phương chỉ mới 15 tuổi, học lớp 9 nhưng chỉ nhỏ như học sinh lớp 6-7 và hằng ngày em phải làm những việc như một phụ nữ có gia đình. Năm 2012, bố mất, 4 mẹ con sống trong căn nhà cũ nát. Cuối năm 2016, mẹ để Phương, anh trai và em trai chưa được một tuổi ở lại và đi lấy chồng khác. Ba anh em đã mồ côi cha, nay mẹ không đoái hoài đến thì chẳng khác gì mồ côi cả mẹ. Là “phụ nữ”, Phương vừa chăm em và lo cơm nước cho cả nhà. Nhiều người đã nói Phương nghỉ học để lo cho em vì em nhỏ quá. Thế nhưng các thầy cô giáo, các chú Bộ đội Biên phòng khuyên bảo, kiểu gì cũng phải đến trường. Trước hoàn cảnh của 3 anh em, Trung tá Dương Đình Hoàn đã “chọn” Phương để hỗ trợ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, bởi: “Phương là người thiệt thòi nhất” và anh coi như đây là một cách “ràng buộc” Phương để không vì lý do chăm sóc em và anh trai mà nghỉ học. Chính trị viên Dương Đình Hoàn cũng dặn dò anh em ở tổ công tác thường xuyên quan tâm đến hoàn cảnh 3 chị em. Khi có đoàn thiện nguyện đến tặng quà, phải ưu tiên cho 3 chị em trước. Anh cũng liên hệ nhiều nơi, đánh tiếng với bạn bè nhờ tìm nguồn tài trợ để có thể dựng cho 3 đứa nhỏ một căn nhà chắc chắn đi qua mùa mưa nắng.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Cha Lo tặng quà học sinh dân tộc Lào do đơn vị nhận đỡ đầu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Cha Lo tặng quà học sinh dân tộc Lào do đơn vị nhận đỡ đầu.

Trong 7 học sinh được Đồn BPCKQT Cha Lo đỡ đầu, có tới 4 học sinh người Lào ở huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn. Sổm Bắt Ét Tỏng là một trong 4 học sinh may mắn ấy. Năm 2017 em từng được sang Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội để tham dự Chương trình Tuyên dương “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường” do Bộ tư lệnh BĐBP phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Chuyến đi đấy tựa như “giấc mơ có thật” của cậu học sinh nghèo đã mấy lần nghĩ chuyện nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhà Sổm Bắt Ét Tỏng ở bản Thôồng Khám, bố mất, nhà chỉ còn lại mẹ và 4 anh em. Nhà vốn nghèo nay lại mất đi trụ cột chính nên rất khó khăn, thế nhưng mẹ luôn cố gắng, chắt chiu cho em đến trường với mong ước sau này em trở thành cán bộ, sẽ không còn vất vả. Mong ước ấy có thêm cơ hội để trở thành hiện thực khi em được Đồn BPCKQT Cha Lo, BĐBP Việt Nam nhận đỡ đầu. Mỗi tháng em sẽ được nhận 500 nghìn đồng - số tiền không nhỏ đối với một học sinh mà ngày hai bữa cơm nếp với rau hoặc măng rừng chấm muối ớt. Giờ Sổm Bắt Ét Tỏng đã cao lớn, có sự vạm vỡ của chàng trai 17 tuổi, ước mơ của em là muốn trở thành bộ đội để được sát cánh với những người đã giúp em vượt qua khó khăn.

Suốt những năm gắn bó với Cha Lo, “Sao Tháng Giêng” Dương Đình Hoàn vẫn luôn cần mẫn với việc hỗ trợ cho những học sinh nghèo vượt khó. Tấm lòng của người lính quân hàm xanh này ai cũng hiểu, thế nên từ người già đến trẻ nhỏ ở các bản Hà Nông, Ka Định… vẫn luôn coi anh như người nhà. Những tình cảm ấy lại càng khiến anh phải thấy mình thêm trách nhiệm, nỗ lực giúp đỡ các em được nhiều hơn nữa để một ngày nào đó, các em cũng sẽ trở thành ngôi sao tỏa sáng trong bầu trời của riêng mình.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/sao-thang-gieng-tren-tren-troi-bien-gioi-cha-lo-592626