Sao Việt và những ngày tháng nơi tâm dịch

Nếu ví dịch Covid-19 như một 'cuộc chiến' thì không ít người nổi tiếng đã là những 'chiến sĩ' trong suốt hơn 2 tháng qua.

Không một lời than vãn hay kể khổ

Mâu Thủy là một trong hơn 100 sao Việt đã trực chiến ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh trong hơn 70 ngày kể từ khi thành phố bùng phát những ca nhiễm đầu tiên. Cô chia sẻ, bản thân từng muốn làm nốt ngày nữa rồi nghỉ vì kiệt sức nhưng sau một đêm ngủ dậy ý nghĩ đó lại bị dẹp bỏ và người đẹp lại lao vào hỗ trợ ở những điểm nóng.

Các diễn viên, ca sĩ, người mẫu hào quang trên sân khấu nhưng khi là những chiến sĩ chống dịch họ cũng không nề hà bất cứ công việc nào. Họ làm những công việc tay chân nặng nhọc và hỗ trợ nhân viên lấy mẫu trong các khu phong tỏa, cách ly, hát ở bệnh viện dã chiến - nơi điều trị hàng nghìn F0 mà không một lời than vãn hay kể khổ.

Mâu Thủy trong lớp đồ bảo hộ cũng như bao người tham gia chống dịch.

Có người chạy từ Bình Dương lên TP. Hồ Chí Minh để tiếp sức cho đồng đội, có người trốn gia đình ra ngoài và khi được hỏi lý do họ chỉ đáp ngắn gọn: “Vui. Và càng làm thấy càng khỏe”. Niềm vui ấy đơn giản là sau ngày dài lấy mẫu xét nghiệm, những ngôi sao được bà con sống gần đó tặng một nồi cháo gà và rồi cả nhóm vừa xì xụp ăn, vừa nói cười vui vẻ.

Với Á hậu Hoàng My, cô cùng Phi Kha, Mâu Thủy, Ngọc Châu lập nên nhóm tình nguyện gồm toàn những người “chân dài” đi hỗ trợ công việc và luôn có nhau như hình với bóng. Người đẹp 33 tuổi chia sẻ thêm rằng, hơn một tháng tham gia chống dịch là quyết định “hoàn toàn đúng đắn” và “vui chưa từng thấy” vì cô tìm được những người hợp cạ cũng như cảm thấy gắn bó với đất nước hơn.

Á hậu Hoàng My và “tiểu đội chân dài” của mình.

Diễn viên Phước Hiếu (23 tuổi) tâm sự khi đi tình nguyện viên, anh có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện với các đồng nghiệp. Điều đó giúp anh xua bớt nỗi nhớ nghề.

Những giọt nước mắt đằng sau bộ đồ bảo hộ

Tuy nhiên, công tác nơi tuyến đầu không phải lúc nào cũng chỉ là niềm vui mà đằng sau đó còn có cả khoảng lặng, nơi những sao Việt lắng mình vì những nỗi niềm khác nhau. Điển hình là khi Minh Khang - một thành viên trong nhóm không thể về chịu tang cha ở Lâm Đồng lúc đang hỗ trợ chống dịch.

MC Quỳnh Hoa - người điều phối nhiều hoạt động của những nghệ sĩ tham gia chống dịch từ những ngày đầu chia sẻ, đó là một ngày buồn của Khang và cả nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ nói chung bởi ai cũng bất lực khi nhìn đồng nghiệp khóc. Nhưng sau đó, nam diễn viên đã cố gắng biến nỗi buồn thành động lực làm việc.

Cece Trương - con gái của ca sĩ Cẩm Vân và nhạc sĩ Khắc Triệu - trong một lần đi hát ở bệnh viện dã chiến số 11 (quận 2, TP. Thủ Đức) đã khóc khi hát “Gánh mẹ”, “Ở trọ”, “Biết đâu nguồn cội “ trước 2.000 bệnh nhân Covid-19. Nữ ca sĩ tâm sự, cô không nén được xúc động khi thể hiện những nhạc phẩm này bởi cô cứ nghĩ đến những người mẹ không được về với con vì phải điều trị bệnh, những người thân xa cách nhau và không kìm được nước mắt.

Ở bên cạnh con gái, ca sĩ Cẩm Vân cũng không nén được xúc động. Cô hạnh phúc khi được hàng nghìn khán giả vỗ tay, cổ vũ trong từng lời hát. Giọng ca gạo cội dù đã ngoài 60 nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện.

Trong những ngày tháng khó khăn, nhiều sao Việt đã chọn cách “ra tiền tuyến” bằng công việc của một tình nguyện viên. Ở đó, họ được trải nghiệm, cống hiến những giá trị vật chất, tinh thần để cùng đội ngũ tuyến đầu trên hành trình đẩy lùi dịch bệnh. Hơn hết, họ biết rằng không có hy sinh nào là vô nghĩa và một ngày kia đại dịch sẽ qua đi để họ lại được trở về sân khấu.

Khang Lâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sao-viet-va-nhung-ngay-thang-noi-tam-dich-post148767.html