'Sao vuông' chống bệnh bạch hầu
Để ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh bạch hầu, thời gian qua, Ban CHQS xã Quảng Hòa (Đăk Glong, Đắc Nông) đã huy động toàn bộ số dân quân tham gia cùng các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giãn cách xã hội; cử lực lượng chốt chặn kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào các khu vực có dịch… Hình ảnh những chiến sĩ sao vuông xung kích trên tuyến đầu chống dịch để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với người dân.
Xã Quảng Hòa nằm cách trung tâm huyện Đăk Glong gần 130km, giao thông đi lại rất khó khăn. Toàn xã hiện có hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc Mông chiếm 71%. Ngày 20-6 vừa qua, người dân Quảng Hòa xôn xao, lo lắng khi biết tin ở đội 2, thôn 6 có một bé gái 9 tuổi đã tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Qua kiểm tra, sàng lọc, địa phương tiếp tục phát hiện thêm 7 ca dương tính với bạch hầu nằm rải rác ở thôn 6, thôn 11 và thôn 12, trong đó có một trường hợp diễn tiến xấu, phải truyền huyết tương. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trấn an tinh thần cho bà con, đồng thời tiến hành phong tỏa, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm phòng cho toàn bộ người dân.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ở địa phương, trong thời gian phong tỏa thôn 6, các cán bộ, chiến sĩ dân quân vừa tham gia chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào, vừa đảm trách nhiệm vụ cung cấp, tiếp tế nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho bà con rất tích cực, hiệu quả. Đang giai đoạn cao điểm của mùa mưa, việc tuần tra, chốt chặn, kiểm soát địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đêm, do không có đồ thay, sau khi tiêu độc, khử trùng trang bị, quần áo, chăn màn, các chiến sĩ phải đốt lửa để hong khô và sưởi ấm. Trong căn lều chật chội, ướt át, họ luôn động viên nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí Hà Văn Quyết, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Quảng Hòa cho biết: “Do nhận thức chưa đầy đủ nên một số người dân rất ngại uống thuốc hoặc tiêm phòng. Đều đặn mỗi ngày 4 lượt (sáng, trưa, chiều, tối), chúng tôi và các lực lượng chức năng phải đến từng nhà, kiểm đếm từng người và hướng dẫn, giám sát việc người dân uống thuốc phòng bệnh...".
Đảm đang, tháo vát, có tài nội trợ nên ngoài việc tuần tra, chốt trực cùng đồng đội, các chiến sĩ dân quân thường trực: Hoàng Văn Hải, Trương Văn Mậu, Hoàng Thị Tuyết... còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, đoàn viên, thanh niên xã bảo đảm cơm chín, nước sôi phục vụ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Với khả năng giao tiếp thành thạo tiếng Mông, lại am hiểu phong tục tập quán, cách nghĩ, cách làm của đồng bào, họ như những chiếc cầu nối giúp việc tuyên truyền, vận động bà con trở nên thuận lợi hơn. Đồng chí Nguyễn Bá Thủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Chính trị viên Ban CHQS xã thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng” thăm hỏi, động viên, hỗ trợ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, bảo đảm tốt hơn đời sống hậu cần cho mọi người.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Ma A Tú (28 tuổi, trú tại thôn 12) chia sẻ: “Gia đình tôi có hai con đang học tiểu học, khi biết trong thôn có người bị bệnh bạch hầu, vợ chồng tôi rất lo lắng. Được các cán bộ y tế, dân quân xã đến tận nhà tiêm phòng, giải thích cặn kẽ về nguy cơ lây lan của bệnh và phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn, đến nay chúng tôi đã rất yên tâm...”.
Còn khi nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: “Hầu hết các trường hợp dương tính với bạch hầu ở địa phương đều chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm không đầy đủ các mũi nhắc lại theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu khá giống với cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường nên nhiều người có tâm lý chủ quan, tự đi mua thuốc về uống, khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khoanh vùng, dập dịch theo chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi vừa tiến hành tiêm phòng cho một số người dân trong khu vực có nguy cơ lây lan".
Hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Ngoài 3 cháu được xuất viện, qua xét nghiệm, các trường hợp còn lại đều đã âm tính lần 2, lần 3 và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Để hạn chế thấp nhất tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, công tác kiểm soát địa bàn, ngăn ngừa dịch bệnh vẫn đang được tiến hành rất chặt chẽ. Trên tuyến đầu chống dịch, các chiến sĩ “sao vuông” luôn phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm, là hình ảnh đẹp của LLVT địa phương”.