Sắp áp dụng quy định mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xảy ra trước ngày 15/4/2020 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy đinh trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Theo đó, Điều 38, 39, 40 của Nghị định đã quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức xử phạt trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Hằng năm không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 của Luật BHXH; không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BH thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BH thất nghiệp theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.
Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý là mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm như kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp để trục lợi chế độ BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.
Nghị định số 28/2020/NĐ-CP cũng quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi không trả chế độ BH Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến; Không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng; không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định; không giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 47 của Luật An toàn vệ sinh lao động và Điều 55 của Luật BHXH đi khám giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa; không trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH...