Sắp ban hành thông tư giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu
Công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai.
Bộ Y tế dự kiến ban hành thông tư giá khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu trong Quý 1-2/2023 khi được Chính phủ đồng ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại cuộc họp báo công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, sáng 3/2.
Luật này gồm 12 chương và 21 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Theo Thứ trưởng Thuấn, Luật có nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bổ sung nhiều quy định về tài chính.
Luật đã quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy, ông Thuấn cho biết.
Trả lời thêm một số câu hỏi của báo chí về vấn đề này, ông Thuấn nói, giá khám bệnh chữa bệnh đang kết cấu gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp, tiền lương tiền công, chi phí quản lý, chi phí cho khấu hao thiết bị. Hiện tại, giá dịch vụ y tế mới kết cấu được 2 yếu tố bao gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp.
Trong năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện ban hành giá dịch vụ theo yêu cầu và hoàn thiện danh mục kỹ thuật để hoàn thiện tính định mức kỹ thuật làm cơ sở cho tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữ bệnh và lộ trình do Chính phủ chỉ đạo để cân đối với điều kiện kinh tế - xã hội, cân đối giữa chỉ số CPI mà Quốc hội giao hàng năm.
Liên quan đến giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, Thứ trưởng Thuấn cho biết, hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư về nội dung này để đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân. Đặc biệt là để từng bước tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng phục vụ, cố gắng giữ lượng người bệnh đáng nhẽ ra nước ngoài điều trị, thì họ ở lại điều trị trong nước.
Thông tư giá khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu dự kiến sẽ đưa yếu tố thứ 3 tức là chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở nhà nước. "Bộ Y tế cũng dự kiến ban hành thông tư giá khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu trong Quý 1-2/2023 khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở giá công khai, minh bạch và cạnh tranh để cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, phục vụ tốt có thể thu được giá hợp lý bên cạnh việc có đủ chi phí theo các yếu tố định giá", ông Thuấn hồi âm.
Vẫn theo Thứ trưởng, Bộ Y tế cũng sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự kiến đưa ra hướng dẫn phương thức tính toán và giao quyền cho các cơ sở tự quyết định giá.
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, mô hình lần đầu tiên được luật hóa, ông Thuấn nêu rõ đây là tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập, là cơ quan chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh chữa bệnh, có con dấu riêng.
Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì, phối hợp tổ chức xã hội nghề nghiệp về khám bệnh chữa bệnh và cơ quan khác có liên quan đánh giá năng lực hành nghề; ban hành bộ công cụ hành nghề đánh giá năng lực khám chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực; tiếp nhận giải quyết kiến nghị, khiếu nại, phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và một số nhiệm vụ khác.
"Hội đồng Y khoa quốc gia theo quy định hiện tại do Bộ trưởng Y tế kiêm nhiệm, nhưng do hiện tại Bộ trưởng bận nhiều nhiệm vụ, nên sau khi được sự thống nhất của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và đồng ý của Thủ tướng, tạm thời giao cho tôi - trước đây được bổ nhiệm Phó chủ tịch điều hành - điều hành Hội đồng Y khoa quốc gia", ông Thuấn thông tin.
Thứ trưởng cho hay hiện tại Hội đồng đang xây dựng kế hoạch cụ thể, thống nhất xây dựng bộ câu hỏi, dữ liệu đề làm cơ sở triển khai đánh giá năng lực. Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ là đầu mối đánh giá năng lực, dựa vào các trường, bệnh viện, tổ chức xã hội nghề nghiệp về y tế cùng phối hợp triển khai. Hàng năm có thể triển khai nhiều lần và tại nhiều điểm với lượng y, bác sĩ hiện tại tốt nghiệp hàng năm dự kiến khoảng 10.000 sẽ đủ sức để đánh giá.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là xây dựng chuẩn bộ câu hỏi đánh giá năng lực - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Thuấn cũng nói thêm rằng, hiện trên thế giới có nhiều mô hình về Hội đồng y khoa quốc gia. Nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh có hội đồng y khoa quốc gia độc lập với Chính phủ. Nhưng cũng có mô hình năm trong Bộ Y tế, hoặc nằm trong Quốc hội.
"Còn vì sao Việt Nam chúng ta chọn mô hình này? Vì hầu hết các nước đều có hội đồng y khoa quốc gia để đánh giá năng lực, tức là đánh giá đầu ra, trước khi cho bác sĩ nhân viên y tế hành nghề. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, khi can thiệp bằng biện pháp, phương pháp bắt buộc phải có tối thiểu kiến thức cơ bản để đảm bảo chẩn đoán điều trị một cách an toàn, hiệu quả", Thứ trưởng giải thích.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sap-ban-hanh-thong-tu-gia-kham-chua-benh-theo-yeu-cau-d183089.html