Sập bẫy khi mua thực phẩm qua mạng, phản ánh ai?
Khi mua thực phẩm như đồ ăn, nước uống... trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm, người bán và các đánh giá khách quan từ người mua hàng trước đó...
Cùng với sự phát triển của mạng Internet và điện thoại di động, kinh doanh trực tuyến (online) ngày càng nở rộ. Điều này mang lại lợi ích đôi bên cho cả người bán và người mua hàng.
Thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử (TMĐT), người bán hàng có thể tiếp cận một số lượng lớn khách hàng trên khắp cả nước, và tiết kiệm nhiều chi phí như quảng cáo, mặt bằng…Còn người tiêu dùng có thể ngồi tại nhà và đi chợ online và chỉ cần ngồi chờ nhận hàng, mà không sợ tốn quá nhiều thời gian cho việc di chuyển.
Tuy nhiên, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM (ATTP) cho biết hiện nay việc kinh doanh hàng hóa trên không gian mạng, đặc biệt là đối với sản phẩm thực phẩm (là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện) đang diễn biến hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. Cụ thể:
- Người bán thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành. Do đó, người bán có thể tự do thay đổi thông tin địa điểm kinh doanh mà người tiêu dùng không thể lường trước được;
- Thông tin liên lạc cùng danh tính thực sự của người bán chưa thực sự rõ ràng và xác thực;
- Người tiêu dùng rất khó kiểm tra được chất lượng do sản phẩm được đơn vị giao nhận gửi đến và bao gói rất cẩn thận;
- Các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành.
Thực tế đã có nhiều trường hợp, người tiêu dùng mua phải các thực phẩm kém chất lượng, không đúng như quảng cáo, thực phẩm bị hư hỏng hay không có nguồn gốc rõ ràng...
Chị Hoàng Thư (Quận 3, TPHCM) cho hay, có lần chị mua sữa bột trên mạng, theo giới thiệu đây là sữa bột xách tay, nguyên tem. Tuy nhiên khi lấy hàng, chị nhận ra vỏ sữa có dấu hiệu bị bóc, lớp giấy bạc ngăn giữa nắp nhựa và phần bột sữa như thông thường cũng bị xé rách.
"Tôi có thắc mắc hỏi lại nơi bán, song người bán im lặng và không có bất cứ phản hồi nào trong khi trước đó họ tư vấn cho tôi rất nhiệt tình. Điều này khiến tôi lo sợ về chất lượng sữa, và không dám cho con dùng", chị Thư bức xúc kể lại.
Từ những thực tế nêu trên, Ban ATTP khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng hóa qua mạng cần chú ý các thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, người mua cũng không nên ham rẻ, cần lưu ý những thực phẩm được quảng cáo bắt mắt, công dụng thiếu thực tế và chứng cứ khoa học.
- Tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm thực phẩm cần mua như chủng loại (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay đã chế biến), thành phần sản xuất, giá trị dinh dưỡng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản…
- Tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm đó qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin.
- Nên vào đúng trang web của cơ sở hoặc trang mạng xã hội,… của người bán và tìm hiểu thông tin phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm của cơ sở.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng khi nhận hàng qua mạng cần lưu ý các điều sau:
- Chỉ nhận hàng khi trạng thái đơn hàng trên trang web là "Đang giao hàng", không nhận hàng khi trạng thái đơn hàng là "Đã hủy", "Đang lấy hàng"...;
- Mã đơn hàng trên gói hàng phải khớp với mã đơn hàng trên trang web/email xác nhận đặt hàng;
- Kiểm tra xem đơn vị vận chuyển có đúng là đơn vị được sàn thương mại điện tử liên kết hay không;
- Kiểm tra xem hình ảnh vận đơn trên kiện hàng có đúng mẫu do sàn thương mại điện tử phát hành hay không.
- Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý xem xét kỹ nhà bán hàng trước khi đặt mua (các phản hồi của người mua trước; cửa hàng tư vấn tận tình, không hối thúc; giá cả không quá thấp so với thị trường,...)
Bốn cách khiếu nại "cấp cao"
Trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại theo các phương thức sau:
- Email đến Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương: vcca@moit.gov.vn.
- Vào trang web Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (www.vcca.com.vn) để phản ánh.
- Gửi hồ sơ, đơn khiếu nại qua bưu điện tới: 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
-Gọi vào tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 (miễn phí cước gọi).