Sắp có mưa sao băng kép Delta Aquarids hiếm gặp, ở Việt Nam có thể quan sát

Mưa sao băng Delta Aquarids là hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 12/7 đến 23/8 hằng năm với cực điểm rơi vào khoảng từ 27-29/7, đồng thời trùng với giai đoạn đầu của mưa sao băng Perseids - trận mưa sao băng lớn nhất hằng năm.

Mưa sao băng Delta Aquarids (hay đầy đủ hơn là Nam Delta Aquarids) là kết quả để lại của sao chổi 96P Machholz - một sao chổi chu kỳ ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất là vào năm 2017.

 Ảnh: Thiên văn Việt Nam

Ảnh: Thiên văn Việt Nam

Vị trí trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius (có thể thấy trong tên của trận mưa sao băng). Vào khoảng từ 2h sáng cho tới trước bình minh các ngày nêu trên, có thể thấy chòm sao này nằm ở bầu trời phía Nam, đó là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng. Mặc dù vậy, chòm sao Aquarius không phải là dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm.

Do đó, một cách đơn giản hơn là hãy thử xác định một hình vuông lớn nằm cao hơn, được tạo thành bởi 4 ngôi sao khá sáng, đó là một phần của chòm sao Pegasus (bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một đỉnh hình vuông này là bốn sao rất sáng nếu trời đủ trong, còn nếu ở các khu vực ô nhiễm khí quyển do bụi hoặc ánh sáng thì đành tùy thuộc vào may mắn của bạn). Kéo dài cạnh bên phải của hình vuông này xuống phía thấp hơn một đoạn bạn sẽ gặp một ngôi sao sáng, đó là sao Fomalhaut trong chòm sao Piscis Austrinus. Khu vực trung tâm của mưa sao băng nằm cao hơn một chút so với ngôi sao sáng đó (như trong hình).

 Người yêu thiên văn ở Việt Nam sắp được quan sát mưa sao băng kép kỳ thú.

Người yêu thiên văn ở Việt Nam sắp được quan sát mưa sao băng kép kỳ thú.

Năm nay, cực điểm của mưa sao băng này sẽ rơi vào rạng sáng ngày đêm 28 - rạng sáng 29/7. Thời điểm này, Mặt Trăng đang đầu chu kỳ pha của nó và sẽ không gây cản trở nào cho người xem. Bên cạnh đó, một điều thú vị là cuối tháng 7 cũng là lúc mưa sao băng Perseids - trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm đang diễn ra, dù phải tới 12-13/8 mới là cực điểm. Sự kết hợp của hai trận mưa sao băng cùng lúc và một bầu trời không Trăng vào nửa đêm sẽ là điều kiện lý tưởng để bạn quan sát hiện tượng này - nếu như thời tiết cho phép.

Vào khoảng thời gian này, một số khu vực vẫn có thể có mưa, người xem cần theo dõi thời tiết trước buổi quan sát của mình. Không chỉ trời mưa mà mây mù cũng khiến người xem không thể nhìn thấy bất cứ vệt sáng nào của các sao băng. Trong trường hợp khu vực của bạn không có mây mù hoặc mưa, hãy chọn địa điểm quan sát có góc nhìn rộng, ít ô nhiễm và tìm kiếm khu vực của chòm sao Aquarius trên bầu trời như mô tả trên. Người xem không cần tới bất cứ dụng cụ nào để quan sát hiện tượng này. Và tất nhiên, người xem vẫn luôn cần một chút kiên nhẫn, và đừng quên thận trọng nếu thực hiện những chuyến quan sát ở bên ngoài vào giờ đó.

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/sap-co-mua-sao-bang-kep-delta-aquarids-hiem-gap-o-viet-nam-co-the-quan-sat-post1763509.tpo