Sắp có thêm 5 dự án điện mặt trời, điện gió phát điện lên lưới
Trong số 39 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp nộp hồ sơ đàm phán mua điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện đã có 5 dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý có thể vận hành thương mại để hòa lưới điện quốc gia.
Giá tạm thời bằng 50% khung giá
Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 26/5, đã có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện tạm thời đến EVN. Hiện vẫn còn 33/85 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).
Trong số 52 nhà máy với tổng công suất 2.258,9MW tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN, đã có 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7MW đề xuất giá điện tạm thời bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Đến nay, có 39 dự án với công suất 2.363 MW đề xuất với EVN ký kết thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá trần theo quy định. Đến thời điểm này, có 16 dự án đã hòa lưới để thí nghiệm các thông số.
Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Còn 5 dự án hiện thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới sau khi chốt thử nghiệm. Tổng công suất 5 dự án là 303MW. Trong vài ngày tới, 303MW này có thể vận hành thương mại được.
5 dự án năng lượng chuyển tiếp có thể vận hành thương mại và phát điện được ngay là: Nhà máy Nhơn Hội (giai đoạn 2), Tân Phú Đông 1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3, Trung Nam - Thuận Nam.
Theo đại diện EVN, các dự án này đã đủ điều kiện tuân thủ các quy định pháp luật đầu tư, xây dựng gồm: Kểm tra công tác nghiệm thu; giấy phép hoạt động điện lực, chủ trương đầu tư được gia hạn...
Ông Đặng Hoàng An nhận định thêm, hiện tổng công suất 5 nhà máy bằng 351MW và sẽ đấu nối, vận hành trong những----- ngày tới. Đây là con số dự án còn quá ít so với tổng dự án thực tế. Nếu các chủ đầu tư không nỗ lực thì rất khó khai thác thương mại. Đây chủ yếu là trách nhiệm của các chủ đầu tư. Còn trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực bộ quản lý, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, xử lý ngay.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy đang tthỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động.
Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%). Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng thông tin, việc thỏa thuận giá tạm và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, cần được các chủ đầu tư thực hiện song song, khẩn trương tối đa, thực hiện đúng hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các dự án trước pháp luật. Điều này đã được Bộ Công Thương thông tin và có hướng dẫn.
Cụ thể, theo quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, các dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch phát triển điện lực; thiết kế và xây dựng các hạng mục công trình theo thiết kế được phê duyệt; kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định; đáp ứng điều kiện về nhân lực đối với đội ngũ quản lý kỹ thuật, vận hành… Trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương.
Lý giải nhập khẩu điện
Thông tin về tình hình nhập khẩu điện của Việt Nam, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Sản lượng điện miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp.
Những nguồn này không hẳn thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Việt Nam cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau.
Một trong những thông tin đáng chú ý là sản lượng điện tái tạo trong hệ thống. Hiện mỗi ngày 100 triệu kWh, chiếm 1/9 sản lượng toàn hệ thống.
Nếu có thêm các nguồn điện tái tạo chuyển tiếp vào chúng ta cũng hấp thụ được. Thời gian tới, nếu tỷ trọng điện tái tạo còn tăng, ngành điện phải có nhiều giải pháp kỹ thuật khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ… để phục vụ cho nguồn điện này.