Sắp có thêm đợt mưa, Thanh Hóa ra công điện ứng phó lũ quét, ngập lụt
Theo dự báo trong những ngày tới Thanh Hóa khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông, vì vậy, các ngành chức năng tỉnh này tiếp tục chủ động ứng phó theo phương châm '4 tại chỗ'.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 19 về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6/9 đến sáng ngày 9/9 trên địa bàn đã có mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 120-170mm, đặc biệt một số nơi có lượng mưa trên 200mm. Mưa lớn đã gây ngập lụt các khu vực trũng thấp, khu vực sản xuất nông nghiệp, các ngầm tràn, gây sạt lở tại một số tuyến đường giao thông...
Theo dự báo, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3, dự báo trong chiều tối và đêm ngày 9/9, khu vực Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Ngoài ra, cảnh báo từ ngày 10/9 đến ngày 13/9, khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông.
Để chủ động ứng phó với thiên tai trong những ngày tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và các hình thái thiên tai có thể xảy ra như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Khẩn trương huy động các nguồn lực để nhanh chóng khắc phục các hậu quả do bão số 3 và mưa, lũ gây ra.Trong đó chú trọng khắc phục ngay các hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, đảm bảo an toàn cho người dân; khắc phục sự cố hư hỏng, sạt lở của các công trình giao thông đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh, yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực đã chịu thiệt hại do bão số 3 vừa qua, bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm tràn thường xuyên ngập lụt, đảm bảo an toàn cho người dân.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố công trình và khắc phục nhanh hậu quả của mưa, lũ khi có các tình huống xảy ra.
Theo báo cáo của ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3, tính đến chiều ngày 8/9, trên địa bàn có 2 người bị thương do cây đổ vào người, 184 ngôi nhà bị tốc mái, bị cây đổ vào, sạt lở móng nhà, sạt lở taluy.
Ngoài ra, có hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị ngập, gãy đổ; nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã (đặc biệt ở một số huyện miền núi) bị sụt lún, sạt lở; hơn 100 cây xanh bị gãy đổ.
Sau bão số 3, các ngành chức năng, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân tu sửa nhà cửa bị thiệt hại; khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở giao thông, cử người canh gác, lập rào chắn, biển báo phân luồng giao thông đối với những vị trí nguy hiểm, gây tắc đường.