Sắp công bố giải pháp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023
Tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, chương trình năm Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) hướng tới tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp; thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Lễ công bố giải pháp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 8/9 tới do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, 12 giải pháp tiềm năng nhất sẽ được chọn vinh danh.
Giải pháp xuất sắc nhất sẽ có cơ hội nhận giải thưởng tổng trị giá lên đến 300.000 USD cùng các gói hỗ trợ toàn diện về nâng cao năng lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, không gian làm việc, quảng bá giải pháp và mở rộng thị trường. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức chiến thắng sẽ tham gia chuỗi hoạt động giới thiệu và triển khai thí điểm đến các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam…
Được phát động từ tháng 10/2022, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.
Các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình theo 3 nhóm đối tượng gồm: các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và các startup, dự án đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực quản trị số, quản trị dữ liệu, kết nối đầu tư, tối ưu quy trình, cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực doanh nghiệp... Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Năm nay, chương trình thu hút được 758 đề xuất giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số, trong đó có những giải pháp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lớn và phát triển như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)... Trên hành trình tìm kiếm những giải pháp tiêu biểu giải quyết những thách thức của Việt Nam, Ban tổ chức và hội đồng tuyển chọn đã xác định được 24 giải pháp có tên trong vòng cuối cùng.
Tại bảng doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo có tổng cộng 7 giải pháp, bao gồm các doanh nghiệp có các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và phục vụ giải quyết các vấn đề của xã hội ở quy mô lớn. Đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn không chỉ dẫn dắt nền kinh tế mà còn lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Lãnh đạo Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cho hay, bước tiến trong quá trình chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ về hiệu quả thực hiện và khả năng tạo tác động của các giải pháp tham gia chương trình, TS. Lê Quốc Anh, Tech Lead - Canal+ Group (Pháp), đồng thời cũng là thành viên hội đồng tuyển chọn của chương trình chia sẻ, các giải pháp đều có tính ứng dụng cao và thực tế đều đã được triển khai áp dụng thực tế tại Việt Nam. Các sản phẩm hầu hết đều đến từ các công ty công nghệ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam như FPT, VNPT, MISA, CMC... Các giải pháp có tác động to lớn cho nền kinh tế số, góp phần đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, không còn là nghiên cứu lý thuyết hay thực nghiệm mà đã được chứng minh bằng sản phẩm cụ thể, kết quả cụ thể.
Còn TS. Đỗ Bình Minh, nhà nghiên cứu khoa học cấp cao tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định: việc các giải pháp dù mới được đưa ra thị trường trong thời gian ngắn, nhưng đã đạt được số lượng khách hàng ấn tượng là một tín hiệu đáng mừng, điều này cho thấy nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ và các sản phẩm, giải pháp số trong chương trình đang đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Để mang lại hiệu quả, các doanh nghiệp cần “đi cùng nhau”: doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn và doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Các doanh nghiệp lớn đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và tạo sân chơi chung để các doanh nghiệp khác cùng tham gia.
TS. Lê Quốc Anh nhận định rằng, bên cạnh giải pháp của các tập đoàn lớn, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án, startup dần tham gia sâu chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn, cũng như "hòa mình" vào làn sóng đổi mới sáng tạo. Bảng doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và bảng dự án, startup có số lượng giải pháp lần lượt là 8 và 9 giải pháp tiềm năng./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sap-cong-bo-giai-phap-doi-moi-sang-tao-viet-nam-2023/305451.html