Sắp đấu giá lại khối băng tần C3 cho 5G, giá khởi điểm hơn 2.580 tỷ đồng

Buổi đấu giá quyền sử dụng khối băng tần cuối cùng được quy hoạch để triển khai 5G sẽ diễn ra ngày 9/7 tới. Giá khởi điểm là hơn 2.581 tỷ đồng, tiền đặt trước 130 tỷ đồng, bước giá là 25 tỷ đồng.

Trong khi chờ đấu giá tần số, MobiFone đã xây dựng dự án đầu tư, xây dựng các tuyến truyền dẫn cho 5G.

Trong khi chờ đấu giá tần số, MobiFone đã xây dựng dự án đầu tư, xây dựng các tuyến truyền dẫn cho 5G.

Cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 do Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp tổ chức lúc 14h00 ngày 9/7 tới, tại Hội trường tầng 10 Cục Tần số vô tuyến điện (Hà Nội). Tài sản đấu giá do Bộ Thông tin và Truyền thông ủy quyền. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.

Giá khởi điểm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz là hơn 2.580 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 130 tỷ đồng, bước giá là 25 tỷ đồng.

Cuộc đấu giá được tổ chức bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá và theo phương thức trả giá lên. Việc bỏ phiếu trả giá được tiến hành nhiều vòng cho đến khi không còn doanh nghiệp trả giá thì doanh nghiệp cuối cùng có mức giá trả cao nhất là doanh nghiệp trúng đấu giá.

Trước đó, trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá cả 3 khối băng tần được quy hoạch để triển khai 5G, gồm B1 (2.500-2.600 MHz), C2 (3.700-3.800 MHz) và C3 (3.800-3.900 MHz); trong đó, khối băng tần C3 đã đấu giá không thành vào ngày 14/3.

Viettel và VinaPhone đều không có quyền tham gia cuộc đấu giá này, bởi theo quy định, tổ chức đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600 MHz (khối băng tần B1) hoặc khối băng tần 3700-3800 MHz. (khối băng tần C2) không được tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3).

Hiện chỉ còn nhà mạng MobiFone có nhu cầu phát triển 5G nhưng chưa có băng tần. Trong bối cảnh quyền sử dụng các băng tần 2500-2600 MHz (dành cho 4G, 5G) và 3700-3800 MHz đã lần lượt thuộc về Viettel và VNPT, còn Vietnamobile không mặn mà với mạng 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về các phương án xử lý tình huống đấu giá trong trường hợp chỉ có một tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, một tổ chức tham gia đấu giá, một tổ chức trả giá.

Cụ thể, trong trường hợp đấu giá lại các khối băng tần sau cuộc đấu giá không thành, tại cuộc đấu giá lại, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều tổ chức đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một tổ chức tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều tổ chức tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một tổ chức trả giá hoặc có nhiều tổ chức trả giá nhưng chỉ có một tổ chức trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì khối băng tần được bán cho tổ chức đó.

MobiFone đã sẵn sàng thương mại hóa 5G

Trao đổi với VietTimes về kế hoạch thương mại hóa 5G, MobiFone cho biết đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện để sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, như tham gia đấu giá băng tần; đầu tư thiết bị phát sóng, vùng phủ sóng; xây dựng các chương trình, kịch bản kinh doanh, phát triển các sản phẩm tận dụng sức mạnh của 5G.

Trước đó, MobiFone đã tiến hành thử nghiệm 5G tại nhiều địa bàn trên cả nước, bao gồm các thành phố lớn, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp... Quá trình thử nghiệm đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng mạng lưới trong tương lai.

Cuối tháng 12/2023, MobiFone cũng đã trình làng một số show case ứng dụng 5G như cloud gaming, du lịch thông minh, giáo dục số, nội dung số, MobiFone Meet đã thu hút quan tâm của đông đảo người dùng.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/sap-dau-gia-lai-khoi-bang-tan-c3-cho-5g-gia-khoi-diem-hon-2580-ty-dong-post176197.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat