Sắp diễn ra Hội nghị toàn quốc về ngành công nghiệp văn hóa
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ diễn ra ngày 24/12 tại trụ sở Chính phủ và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành liên quan.
Sáng 19/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Họp báo thông tin Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Tại Họp báo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: "Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa và một số kết quả thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL sẽ báo cáo về tình hình thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ.
Hội nghị cũng sẽ xác định các khó khăn, vướng mắc, đưa ra định hướng và đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa công nghiệp văn hóa trở thành một trong những trụ cột kinh tế của cả nước.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa, giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.