Sắp diễn ra Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam

Ngày mai, 12 tháng 5 năm 2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010; Biên niên Lịch sử Công Thương 2011 - 2020.

Tham dự Buổi lễ có các đồng chí trong Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Lãnh đạo Bộ Công Thương qua các thời kỳ; thành viên Ban biên tập, Ban Biên soạn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010), Biên niên Lịch sử Công Thương 2011 - 2020, các nhà khoa học, nhà sử học, cùng các đơn vị truyền thông báo chí trong và ngoài ngành Công Thương.

Theo đánh giá của các chuyên gia sử học, Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam với dung lượng gần 2500 trang in được nghiên cứu xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc; là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú, có độ tin cậy cao và rất có giá trị cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn; đã tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực, khách quan quá trình xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong đó, thể hiện được những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành Công Thương đã trải qua; Làm sáng rõ những luận điểm cơ bản về vị trí, vai trò, nhiệm vụ cũng như các đóng góp to lớn, sáng tạo của Ngành trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đất nước; đồng thời, phân tích, tổng kết, đưa ra những bài học kinh nghiệm quý, có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Ngành trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, các đại biểu sẽ thực hiện nghi thức phát hành Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam trên trang website Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tại địa chỉ https://www.nxbctqg.org.vn

BỘ SÁCH LỊCH SỬ CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM

Gồm 2 ấn phẩm:

Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010)

Có dung lượng gần 900 trang in, với kết cấu 3 phần.

Phần thứ nhất: Gồm Sơ đồ lịch sử hình thành Bộ Công Thương; Danh sách và hình ảnh Bộ trưởng Bộ Công Thương và các Bộ tiền nhiệm; Danh sách và hình ảnh Tổng cục trưởng các Tổng cục thuộc Chính phủ trong cơ cấu hình thành Bộ Công Thương; Danh sách và hình ảnh Lãnh đạo Bộ Công Thương hiện nay.

Phần thứ hai: Gồm 8 chương nội dung và chương Kết luận:

- Chương I. Vài nết về Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945;

- Chương II. Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1954);

- Chương III. Công nghiệp - Thương mại miền Bắc giai đoạn khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà (1955 - 1965);

- Chương IV. Công nghiệp - Thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975);

- Chương V. Công nghiệp - Thương mại miền Nam (1955 – 1975);

- Chương VI. Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 - 1985);

- Chương VII. Từng bước phát triển ngành Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm đầu đổi mới đất nước (1986 - 1995);

- Chương VIII. Phát triển Công nghiệp - Thương mại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1995 - 2010).

- Chương Kết luận: Nêu 5 bài học học kinh nghiệm có giá trị lịch sử trên phương diện lý luận và thực tiễn, rút ra từ hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển ngành Công Thương:

+ Bài học thứ nhất: Nắm vững chủ trương, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào phát triển Ngành;

+ Bài học thứ hai: Nắm chắc, và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính của Ngành là xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế, làm nền tảng cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.

+ Bài học thứ ba: Bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

+ Bài học thứ tư: Công nghiệp hóa phải hướng đến giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.

+ Bài học thứ năm: Phát triển thương mại cần tập trung vào bảo đảm các cân đối lớn, cán cân thương mại, không chỉ để trở thành trụ cột phát triển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn là phương thức bảo đảm an ninh kinh tế, chủ động ứng phó với các tình huống biến động lớn, đột xuất có thể xảy ra từ bên ngoài.

Phần thứ ba: Bao gồm Biên niên một số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành Công Thương giai đoạn 1945-2010, Tài liệu tham khảo, Mục lục.

Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011-2020

Có dung lượng hơn 1.500 trang in, với hơn 1400 sự kiện, được chia làm 2 tập:

- Tập 1: Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011-2015

- Tập 2: Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2016-2020

Biên niên lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 -2020 làm rõ quá trình hoạch định chiến lược phát triển ngành Công Thương Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020. Đây là quá trình Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa của Việt Nam, trong đó ngành Công Thương được trao sứ mệnh quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước; từ đó cũng nêu bật sự lớn mạnh của ngành Công Thương dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời làm sáng tỏ những luận điểm cơ bản về vị trí, vai trò, nhiệm vụ cũng như các hoạt động nổi bật của ngành Công Thương trong vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những thời điểm, bước ngoặt của lịch sử.

Những sự kiện trình bày trong mỗi tập sách đều mang tính tiêu biểu trong các hoạt động, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, bao gồm: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Cùng với Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010, Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020 hợp thành Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam, là bộ tài liệu chính thức cho việc tra cứu, nghiên cứu giảng dạy và học tập về lịch sử phát triển của ngành Công Thương xuyên suốt từ thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam, với quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước qua các thời kỳ.

Hà Nam

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/sap-dien-ra-le-cong-bo-bo-sach-lich-su-cong-thuong-viet-nam-104943.htm