Sắp diễn ra tọa đàm trực tuyến 'Chương trình phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030'
Sáng 5/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tọa đàm trực tuyến 'Chương trình phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030' với chủ đề 'Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng' trên chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội tại địa chỉ https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/.
Tọa đàm trực tuyến “Chương trình phát triển Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giai đoạn 2023 – 2030” diễn ra hồi 10h ngày 5/12/2024 tại trụ sở Báo Kinh tế và Đô thị. Đây là hoạt động truyền thông của Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về triển khai Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Tham dự buổi tọa đàm trực tuyến có các khách mời: TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và GS. Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cùng độc giả Báo Kinh tế và Đô thị trên chuyên trang điện tử https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, các chuyên gia giao lưu và trao đổi về vai trò của công tác phục hồi chức năng (PHCN) trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; Một số thành tựu đạt được của hệ thống PHCN, những ưu tiên tập trung 8 nhóm giải pháp chính để phát triển PHCN.
Đồng thời, nêu rõ thực trạng khó khăn, thách thức của công tác PHCN hiện nay, đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Với chủ đề “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”, tọa đàm trực tuyến nhằm tuyên truyền về văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện “Chương trình Phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đặc biệt là những chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện trong năm 2024; về sự cần thiết của PHCN dựa vào cộng đồng và sự tham gia, ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp đối với ngành PHCN, các mô hình mạng lưới PHCN tiêu biểu tại hệ thống y tế địa phương.
Đề xuất các phương hướng duy trì và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, cả nước có 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, bao gồm: 1 bệnh viện phục hồi chức năng trực thuộc Bộ Y tế, 38 bệnh viện phục hồi chức năng tuyến tỉnh (trong đó có 10 bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng); 25 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng thuộc các Bộ, ngành. Ở tuyến Trung ương có 100% bệnh viện đa khoa, 75% bệnh viện chuyên khoa.
Tuyến tỉnh có 90% bệnh viện đa khoa, 40% bệnh viện chuyên khoa có khoa phục hồi chức năng. Tuyến huyện có 70% bệnh viện có khoa phục hồi chức năng riêng biệt hoặc ghép với khoa khác; 95% Trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng và người khuyết tật.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý 14 bệnh viện/trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng và 230 cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng có hoạt động phục hồi chức năng.
Triển khai “Chương trình Phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050” hướng tới đạt mục tiêu bảo đảm cho người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận sớm dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Kính mời quý độc giả gửi câu hỏi với 2 khách mời: TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; GS. Cao Minh Châu - Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam qua địa chỉ hòm thư: plxhonline@gmail.com