Sập hầm thủy điện ở Lai Châu 2 người chết: Truy trách nhiệm cty Vinadic
Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đang điều tra nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Nậm Củm 3 làm 2 người chết (sáng 6/10). Được biết, Công ty cổ phần PTĐTXD Việt Nam (Vinadic - Tập đoàn AMACCAO) là đơn vị thi công. Vậy trách nhiệm của Vinadic sẽ thế nào?
Thông tin ban đầu, vụ sập hầm thủy điện ở Lai Châu 2 người chết xảy ra khoảng 2h sáng 6/10 tại công trường xây dựng thủy điện Nậm Củm 3, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè. Nạn nhân được xác định là anh Lưu Đình T. (43 tuổi, quê ở Bắc Kạn) và anh Phàn Văn L. (28 tuổi, quê ở Hà Giang).
Trả lời báo chí, ông Kiều Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện mưa không nhiều. Qua báo cáo thì thời điểm xảy ra sự cố khi các công nhân đang khoan hầm thủy điện. Sau khi xảy ra sự cố, 2 công nhân được đưa về bệnh viện huyện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Theo tìm hiểu của PV, dự án thủy điện Nậm Củm 3 có suất 35MW, do Công ty cổ phần Phát triển điện Mường Tè làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic), thuộc Tập đoàn AMACCAO. Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần PTĐTXD Việt Nam (Vinadic) và Tập đoàn AMACCAO là ông Tô Văn Nam (SN 1969).
Hiện dư luận đang quan tâm, với sự việc như trên thì công ty Vinadic sẽ chịu trách nhiệm thế nào? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, vụ tai nạn lao động, sập hầm thủy điện khiến hai nạn nhân tử vòng ở Lai Châu là vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hầm thủy điện này được cơ quan có thẩm quyền cho phép thiết kế thi công như thế nào? Phương án đảm bảo an toàn được đưa ra và tổ chức thực hiện như thế nào trong quá trình thi công để xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đối với vụ tai nạn.
Đồng thời, sẽ làm rõ hai người lao động tử vong có hợp đồng lao động hay không, có chuyên môn kĩ thuật hay không, có được trang bị kiến thức, phương tiện bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động hay không để xem xét trách nhiệm trong việc quản lý lao động.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đơn vị thi công, người giám sát công trình này đã không đảm bảo an toàn lao động về hậu quả vụ tai nạn lao động xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự theo Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về an toàn lao động" - luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về đảm bảo an toàn lao động gây hậu quả hai người tử vong thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 3 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản hai, điều 295 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động đối với công trình này được thực hiện như thế nào, ai là người quản lý giám sát công trình, ai có trách nhiệm về phía đơn vị thi công và việc sử dụng lao động diễn ra như thế nào để có căn cứ xác định có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động hay không làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, sự việc sập hầm thủy điện dẫn đến 2 người tử vong nêu trên là rất nghiêm trọng bởi thiệt hại là mạng người.
Luật sư Tùng phân tích, cơ quan chức năng cần tiến hành xác minh một số vấn đề như sau: Doanh nghiệp sử dụng lao động đã đảm bảo an toàn lao động theo quy định của luật hay không? Khi các công nhân làm việc tại hầm thủy điện có được cảnh báo về tình hình thời tiết và nguy cơ thiên tai hay không? Trong điều kiện thời tiết như vậy thì làm việc tại hầm thủy điện có được phép hay không?
Luật sư Tùng cho biết, theo quy định tại Điều 295 – Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người như sau:
“1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
2.. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Làm chết 2 người;
Trường hợp xác minh có dấu hiệu phạm tội. Cơ quan điều tra cần tiến hành khởi tố bị can đối với người có vi phạm về an toàn lao động. Người đại diện theo pháp luật có doanh nghiệp có thể bị khởi tố vì tội danh này...
Xem thêm video: Sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng