Sạp hủ tiếu hơn 60 năm tuổi của cô Chánh ở TP.HCM

Nằm nép mình trong khu Chợ Cũ ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1, sạp hủ tiếu của cô Chánh níu chân nhiều thế hệ thực khách bởi sự tỉ mỉ trong chế biến món ăn cùng không gian hoài cổ.

“Từ chiếc tủ đựng đồ cho đến mấy cái tô, hũ đựng mắm, đựng đũa, sau hàng chục năm mình vẫn thấy y như vậy. Mỗi lần ghé quán là mình như được sống lại thời còn nhỏ”, chị Như Liên (30 tuổi) nói.

Lần đầu chị Liên đến hàng hủ tiếu mì cô Chánh là khoảng 20 năm trước. Thời đó, gia đình chị còn khó khăn nên chỉ khi nào học được điểm cao hay một vài dịp đặc biệt như ngày lễ, sinh nhật, chị mới được mẹ dẫn đến hàng hủ tiếu gần nhà.

 Sạp hủ tiếu chưa đến 3m2 ở Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm.

Sạp hủ tiếu chưa đến 3m2 ở Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm.

Từ ngày lấy chồng ở quận 4, chị Liên hiếm khi ghé quán. Thế nhưng sau khi mẹ mất vào khoảng một năm trước, chị thường đến đây đôi ba lần mỗi tháng.

“Những món đồ cũ, hương vị món ăn ở đây gợi cho mình nhớ về kỷ niệm ngày xưa ở bên mẹ. Mình cũng thích cảm giác tĩnh lặng, nhẹ nhàng ở hàng cô Chánh, nó rất khác với cái xô bồ, nhộn nhịp của thành phố mình đang sống”, chị Liên nói với Zing.

Hàng hủ tiếu “cũ nhất” Sài Gòn

Chủ sạp hủ tiếu, cô Chánh (tên thật Huỳnh Thị Dung, 59 tuổi), cho biết tiệm ăn của mình đã có tuổi thọ hơn 60 năm. Lúc đầu, sạp hủ tiếu mì do chú ruột cô mở bán ở đúng địa chỉ hiện tại, số 69 Tôn Thất Đạm.

Đến năm 1991, chú cô ra nước ngoài định cư, đã giao lại sạp hủ tiếu cho cháu gái. Vốn là người gốc Hoa, sinh sống tại TP.HCM đã qua nhiều thế hệ, ban đầu cô chỉ bán hủ tiếu Quảng Đông. Về sau do khách yêu cầu, quán bán thêm hủ tiếu mì, hoành thánh, bún mọc…

Quán nhỏ nhưng có thực đơn phong phú gần 10 món.

Quán nhỏ nhưng có thực đơn phong phú gần 10 món.

“Lúc chú cô đi cũng vội nên chưa kịp truyền dạy nhiều. Sau này, nhờ một số khách quen góp ý về mùi vị món ăn, cô cứ hoàn thiện công thức dần dần. Đến giờ, nhiều khách của quán đã ăn ở đây 30-40 năm trước, từ thời chú cô còn đứng bán”, cô Chánh kể.

Trong gian quán nhỏ chỉ đủ kê 5-6 chỗ ngồi cho khách, nhiều vật dụng đã tồn tại qua nhiều thập kỷ. “Một số thứ như tô chén, lon đựng đồ là do chú cô để lại. Giờ không còn xài được nữa nhưng cô vẫn giữ làm kỷ niệm”.

Với lịch sử lâu đời cùng phong cách bày trí đậm chất retro, sạp hủ tiếu của cô Chánh được mệnh danh là “hàng hủ tiếu cũ nhất Sài Gòn”. Bên cạnh những vị khách quen hàng chục năm, quán còn thu hút nhiều bạn trẻ muốn đến khám phá và chụp hình.

Huỳnh Minh Vy (23 tuổi) cho biết: “Mình biết đến quán thông qua một số trang review và ảnh chụp trên mạng xã hội. Thấy quán có bày trí hút mắt, lên hình khá đẹp nên mình muốn đến ăn và chụp ảnh thử”.

 Cô Chánh nâng niu chiếc chén cũ được chú để lại cùng sạp hủ tiếu.

Cô Chánh nâng niu chiếc chén cũ được chú để lại cùng sạp hủ tiếu.

“Chỉ cần đủ ăn là cô vui lắm rồi”

Hàng ngày từ 4h cô Chánh đã ra sạp để nấu nước dùng, chuẩn bị nguyên liệu. Xong xuôi mọi việc, quán bắt đầu đón khách từ khoảng 8-9h và đóng cửa lúc 15h.

Thời gian còn lại trong ngày, cô Chánh dùng để dọn dẹp quán, đi chợ, chọn lựa nguyên liệu cho ngày hôm sau.

Dù công việc không hề dễ dàng, trong hơn 30 năm qua, số buổi cô Chánh nghỉ bán chỉ tính trên đầu ngón tay. “Làm quen rồi nên cũng không bỏ được. Nghỉ một hôm là lại thấy khó chịu”.

Nhiều món đồ ở sạp hủ tiếu cô Chánh được lưu giữ qua 3 thập kỷ.

Nhiều món đồ ở sạp hủ tiếu cô Chánh được lưu giữ qua 3 thập kỷ.

Cô Chánh nói trước đây quán có thể bán được vài trăm tô mỗi ngày. Phần lớn khách là dân văn phòng, người lao động trong vùng.

Tuy nhiên, trong đợt dịch, các dự án tạm dừng, công ty đóng cửa, lượng khách giảm mạnh nên quán chỉ bán được khoảng 20-30 tô/ngày.

Không chỉ khó khăn trong thời dịch, càng lớn tuổi, cô Chánh càng có nhiều trăn trở về tương lai của quán. Sống đơn thân, không con cái nên cô sợ nhất là không thể tìm được người nối nghiệp.

“Cô cũng già rồi, không rành về công nghệ nên ai gọi gì cũng phải tự đi giao, không mở rộng thêm được. Giờ chỉ cần kiếm đủ sống là vui lắm rồi. Cô chủ yếu làm để khuây khỏa nên còn sức là còn làm thôi”.

 Quán chỉ có 6 chỗ ngồi, mở cửa từ 9h-15h.

Quán chỉ có 6 chỗ ngồi, mở cửa từ 9h-15h.

Huệ Lâm - Phú Quí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sap-hu-tieu-hon-60-nam-tuoi-cua-co-chanh-o-tphcm-post1190282.html