Sắp hủy bỏ niêm yết hơn 5,2 triệu cổ phiếu của Danameco
Ngày hủy niêm yết cổ phiếu DNM của Công ty cổ phần Y tế Danameco là 24/7 và ngày giao dịch cuối cùng tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hà Nội là 21/7.
Mới đây, ông Đỗ Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hà Nội, đã có thông báo 2229/TB-SGDHN về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu DNM của Công ty cổ phần Y tế Danameco.
Theo đó, ngày 3/7, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 649/QĐ-SGDHN về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu DNM của Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco.
Đây là loại cổ phiếu phổ thông. Mệnh giá 10 nghìn đồng một cổ phiếu.
Số lượng hủy niêm yết 5.253.070 cổ phiếu. Giá trị tương đương 52.530.700.000 đồng.
Ngày hủy niêm yết 24/7. Ngày giao dịch cuối cùng tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hà Nội 21/7.
Lý do hủy, Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco có tổng số lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 vượt quá vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt thuộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán.
Theo báo cáo thường niên do ông Văn Đức Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Danameco ký, tổng doanh thu năm 2022 là 321,28 tỷ đồng, hoàn thành 64% chi tiêu kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ 100,2 tỷ đồng, giảm 125,05 tỷ đồng so với 2021.
Nguyên nhân, do năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, nên doanh thu từ các mặt hàng chính của công ty, các mặt hàng được sản xuất để phục vụ chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch, đã giảm mạnh.
Đồng thời, do không đánh giá sát sao được tình hình diễn biến dịch bệnh nên trong năm 2022, Công ty vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch.
Theo đó, dù lượng máy móc mới không được tham gia vào hoạt động sản xuất trong kỳ nhưng vẫn phải trích khấu hao theo quy định nên dẫn đến giá thành sản phẩm của công ty tăng rất cao. Việc doanh thu sụt giảm mạnh và giá thành tăng cao là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận của năm 2022 của Công ty sụt giảm.
Ngoài ra, để chuyển dần sang khai thác thị trường xuất khẩu và thâm nhập vào thị trường quốc tế, trong năm 2022, Công ty đã đầu tư nâng cấp sửa chữa nhà máy để đáp ứng với yêu cầu của khách hàng quốc tế, đầu tư thêm máy móc thiết bị tự động để nâng cao năng suất sản xuất.
Do vậy, ở một số mặt hàng sản xuất như tấm trải, áo phẫu thuật, Công ty phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu nhằm thâm nhập vào thị trường quốc tế. Tuy không phải là nguyên nhân chính nhưng việc tăng chi phí tại các mặt hàng phục vụ xuất khẩu cũng góp phần làm tăng chi phí chung của Công ty.