Sắp lộ sáng một 'kho tàng ẩn giấu'
Khi đời sống văn nghệ đang xôn xao trở lại với nhiều phim ra rạp, nhiều đêm nhạc được tổ chức, không hiểu sao tôi lại chú ý hơn tới cuộc triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An. Cuộc triển lãm mang tên 'Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu' sắp diễn ra tại Viện Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).
1. Họa sĩ Phan Kế An thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, ông sinh năm 1923, mất năm 2018. Giữa đời sống văn hóa hôm nay, dễ hiểu thôi, công chúng sẽ nghiêng và thích những sự kiện hoành tráng, những bộ phim vui một chút - hài một chút, những đêm nhạc của các ngôi sao. Cho nên, thông tin về cuộc triển lãm các tác phẩm của cố họa sĩ Phan Kế An cứ như chìm khuất giữa những lớp sóng thông tin cuồn cuộn.
Nhưng khi biết có cuộc triển lãm này, tôi lại nhớ quá về một lão họa sĩ dáng người mảnh, gầy gò trong căn phòng nhỏ trên phố Thợ Nhuộm (Hà Nội).
Ông quê ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Họa sĩ Phan Kế An học khóa 18 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những hội viên đầu tiên của ngành hội họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam ngay từ năm 1957.
Phan Kế An vẽ trên nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Phan Kế An tham gia hoạt động ở chiến khu Việt Bắc cùng với các họa sĩ đàn anh lúc bấy giờ là Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phá, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng...
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Phan Kế An, được nhiều người nhắc đến đó là bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” vẽ vào mùa đông năm 1950, thời gian ông đi kháng chiến với tư cách là đặc phái viên của báo Sự Thật. Bức tranh được đánh giá cao vì những cống hiến trong việc sáng tạo gam màu xám xanh và màu xanh chàm...
Cũng trong mạch sáng tác này, người ta còn nhớ tới nhiều tác phẩm của ông, như: “Những đồi cọ”, “Cánh đồng bản Bắc”, “Gác chuông”, “Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa”... Nhưng nhớ tới ông, tôi đặc biệt thích những bức ký họa bằng bút chì, trong số đó có khoảng 20 bức ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bức đều ẩn chứa trong đó những cảm nhận sâu sắc, niềm yêu kính đối với Người.
Trong số này, có những bức tranh đã được in với số lượng lớn, đủ để phát hành khắp các chiến khu, nhiều bức đến nay đã được xem là những tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Lưu dấu ấn sâu đậm trong ký ức nhiều người, đó là bức họa sĩ Phan Kế An ký họa Bác đơn sơ bằng bút sắt đã được in trên báo Sự Thật tháng 12/1948.
2. Đôi dòng về họa sĩ tài hoa Phan Kế An như trên rõ ràng là chưa đầy đủ. Cuộc đời 70 năm cầm cọ của ông tất nhiên có thể viết dài hơn nữa. Nhưng tôi muốn dừng đôi chút, để nói về triển lãm “Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu” sẽ diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/4 tới đây.
Cái tên triển lãm có vẻ điệu đàng, chưa chắc khi còn sống lão họa sĩ đã chọn, song điều đó bây giờ không mấy quan trọng.
Điều quan trọng, theo tôi, đó là công chúng hôm nay, với rất nhiều người trẻ, sẽ được “gặp” một họa sĩ Phan Kế An với các tác phẩm hội họa đa chất liệu, các tác phẩm học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ) và những ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỷ 20.
Cụ thể, có 3 bức tranh sơn mài, 1 bức tranh sơn dầu, 1 bức tranh lụa và một loạt tranh ký họa đặc sắc của họa sĩ Phan Kế An.
Những tác phẩm này được gia đình họa sĩ bảo quản, lưu giữ cẩn trọng qua nhiều năm tháng. Những bức tranh được ví như “kho tàng ẩn giấu” này sẽ hé lộ nhiều điều bất ngờ về hành trình sáng tác và cuộc sống nghệ thuật những năm 1945-1960 của họa sĩ Phan Kế An.
Bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái cố họa sĩ Phan Kế An chia sẻ: “Từ xưa đến nay, bố tôi hầu như không có triển lãm riêng, trừ hồi đi kháng chiến. Thực tế là vì hầu hết tranh của ông đều được bán hết ngay, có bức chưa ráo mực đã có người mua rồi. Một vài lần triển lãm chung ở 16 Ngô Quyền (Hà Nội), bố tôi phải đi mượn lại tranh đã bán để trưng bày. Đó là lý do tôi ao ước thực hiện một buổi triển lãm riêng cho ông, nhưng chưa làm được vì điều kiện chưa cho phép”.
Và gần đây, khi họa sĩ Vũ Đỗ (The Painter’s Studio) đề đạt, bà rất mừng, và tin tưởng rằng, họa sĩ trẻ này là một người có tâm, được đào tạo bài bản và Viện Pháp tại Hà Nội cũng tạo điều kiện rất nhiều và là một đơn vị uy tín. Đây là cơ hội thích hợp để đưa các tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An đến với công chúng.
Họa sĩ Vũ Đỗ - trong vai trò giám tuyển của triển lãm cho rằng, điểm đặc biệt của triển lãm lần này là những tác phẩm được trưng bày tại đây chưa từng được công bố, ẩn giấu trong những tài liệu được tìm thấy ở tư gia của nghệ sĩ, và là những tác phẩm dang dở, chưa hoàn thiện, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị.
“Bản thân chúng là nhân chứng của lịch sử, chứa đựng câu chuyện, kỷ niệm riêng của người họa sĩ”, họa sĩ Vũ Đỗ quả quyết, đồng thời thêm rằng, “những bức tranh này phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là sự thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của một người nghệ sĩ, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của ông. Đặc biệt, tất cả đều có giá trị về mặt nghệ thuật với sức rung cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ, cho thấy sự sáng tạo và thể nghiệm không ngừng của một cây đa, cây đề trong giới hội họa”.
Tôi thì hy vọng, qua triển lãm này, một câu chuyện nghệ thuật qua cuộc đời sáng tạo đa dạng của họa sĩ Phan Kế An sẽ được kể lại chân thành, sống động và nếu có chút gì hóm hỉnh nữa thì càng hay, bởi sinh thời với bút danh Phan Kích, ông đã vẽ nhiều bức tranh biếm họa rất thú vị.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sap-lo-sang-mot-kho-tang-an-giau-5681137.html