Sắp loại bỏ sổ hộ khẩu giấy: Các thủ tục liên quan được thực hiện ra sao?

Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Do đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31/12/2022.

Thu hồi sổ hộ khẩu thì các thủ tục liên quan được thực hiện như thế nào?

Khi muốn điều chỉnh thông tin về cư trú, người dân cần chuẩn bị hồ sơ theo Điều 26 Luật Cư trú 2020 như sau:

"Điều 26. Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú

2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin".

- Thủ tục đăng ký thường trú cho người dân được thực hiện tại Điều 22 Luật Cư trú 2020 như sau:

"Điều 22. Thủ tục đăng ký thường trú

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký".

Ngoài ra, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Hướng dẫn tra cứu sổ hộ khẩu online cho người dân một nhanh chóng

Người dân có thể tra cứu số sổ hộ khẩu theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang web của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn và kéo xuống dưới chọn mục tra cứu trực tuyến.

Bước 2: Sau khi cửa sổ tra cứu online hiện ra, người dân click vào tra cứu mã số bảo hiểm xã hội bên góc phải màn hình.

Bước 3: Nhập đầy đủ các trường thông tin trong mục này.

Lưu ý: Những mục có dấu * màu đỏ là những mục bắt buộc phải điền, không được bỏ trống.

Sau khi nhập xong đầy đủ thông tin, bạn đọc bấm chọn xác nhận “Tôi không phải là người máy” và chọn những hình ảnh tương ứng với yêu cầu. Khi làm xong hết tất cả yêu cầu, được xác nhận thì bạn đọc bấm tra cứu.

Bước 4: Thông tin được trả về với kết quả gồm: Mã số bảo hiểm xã hội, họ tên, giới tính, ngày sinh, mã hộ gia đình, địa chỉ và trạng thái.

Lưu ý: Những thao tác trên đang sử dụng chức năng tra cứu mã số Bảo hiểm xã hội. Thông tin số sổ hộ khẩu chỉ là một trong những thông tin kèm theo đối với mỗi cá nhân khi tiến hành tra cứu.

Theo đó, người dân có thể dễ dàng tra cứu mã hộ gia đình tại mục kết quả này để khai báo khi cần thiết nếu đã bị thu hồi sổ hộ khẩu hoặc không mang theo sổ hộ khẩu để xem mã số sổ hộ khẩu.

Linh Lê

Theo Thư viện Pháp luật

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/sap-loai-bo-so-ho-khau-giay-cac-thu-tuc-lien-quan-duoc-thuc-hien-ra-sao-post1452766.tpo