Sắp nhận ngân hàng yếu kém, nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Quân đội bất ngờ thay ghế Chủ tịch trước thềm ĐHĐCĐ
Trong bối cảnh chuẩn bị tiếp nhận ngân hàng yếu kém cùng kết quả hoạt động với tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh 54% so với đầu năm, MB bất ngờ thông báo thay ghế Chủ tịch HĐQT ngay trước thềm ĐHĐCĐ.
Nợ xấu tăng mạnh, cho vay với doanh nghiệp bất động sản tăng chóng mặt thêm 8.725 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh trong năm 2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đạt 36.023,1 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ không biến động nhiều, duy trì ở mức trên 4 tỷ đồng. Tổng kết lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận ở mức 30.777 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro và thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại đạt 18.155,2 tỷ đồng, tăng trưởng 37,3% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm kết thúc quý 4 năm 2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532,4 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý trong đó, chỉ tiêu về cho vay khách hàng đã tăng đáng kể, từ 354.797,1 tỷ đồng lên 448.598,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với lượng tiền cho khách hàng vay đã tăng tới 93.801,5 tỷ đồng chỉ trong 1 năm. Tiền gửi của khách hàng cũng ghi nhận tăng từ 384.692,2 tỷ đồng lên 443.605,6 tỷ đồng.
Điều đáng nói đó là ghi nhận tổng nợ xấu thuộc nhóm 3, 4, 5 của MB trong năm 2022 ở mức 5.031,3 tỷ đồng, tăng tới 54% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn, thuộc nhóm 5 đã tăng tới gấp 2,8 lần so với năm 2021. Tổng nợ xấu thuộc nhóm nợ có khả năng mất vốn đã đạt ngưỡng 2.293,3 tỷ đồng, tăng tới 1.473,8 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Cần phải hiểu rằng nợ xấu nhóm 5 là nợ xấu có rủi ro cao nhất và hiện đang tăng mạnh nhất trong 3 nhóm nợ xấu, thậm chí còn vượt và gần bằng tổng lượng nợ xấu nhóm 3, nhóm 4.
Giữa bối cảnh nợ xấu gia tăng, MB thay lãnh đạo, đưa CEO lên làm Chủ tịch HĐQT ngay trước thềm ĐHĐCĐ
Trong bối cảnh hiện tại khi mà nợ xấu tăng cao, nợ xấu nhóm 5 tăng tới đỉnh điểm thì thật tình cờ MB lại vừa có thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong Ban quản trị và Ban điều hành ngân hàng.
Theo đó thì HĐQT của MB đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. Đồng thời HĐQT cũng thông qua việc trình ĐHĐCĐ thường niên đối với việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 của ông Lê Hữu Đức, giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 xuống 10 người.
Cũng trong ngày 12/4/2023, HĐQT của MB cũng đã bầu ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc giữ chức Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ông Thái sẽ thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc MB từ ngày 12/4.
Việc thay thế một lãnh đạo trong thời điểm trước khi diễn ra ĐHĐCĐ thường niên là điều tương đối nhạy cảm. Một đơn vị kinh doanh thông thường sẽ hiếm khi làm điều này để tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý của các cổ đông trước thềm đại hội.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 được dự kiến diễn ra ngày 25/4/2023 tới đây với nhiều thông tin đáng chú ý, bao gồm cả việc MB nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại.
Về vấn đề này, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ông Lưu Trung Thái lúc đó còn đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB đã từng phát biểu rằng: "MB sẽ không phải bỏ một đồng vốn nào để mua ngân hàng yếu kém này mà được chuyển giao bắt buộc từ Ngân hàng Nhà nước. Để cứu ngân hàng yếu kém không đổ vỡ, họ bắt buộc phải chuyển giao về Nhà nước với giá 0 đồng và thuộc sở hữu Nhà nước”.
Những lời khẳng định của ông Lưu Trung Thái trước đây gần như trái ngược so với tình hình hiện tại khi nhìn vào báo cáo tài chính bởi nguồn nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn cùng nợ có khả năng mất vốn của MB đều gia tăng, đồng nghĩa với việc rủi ro gia tăng dù ngân hàng này chưa tiến hành việc chuyển giao bắt buộc. Do đó, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở lo lắng cho tương lai sắp tới của MB là điều hoàn toàn dễ hiểu.