Sáp nhập, đổi tên thôn vùng dân tộc: Bảo đảm chính sách cho người có uy tín
Sau khi Nghị quyết số 31/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội được ban hành, số lượng thôn bản vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn Thủ đô có sự thay đổi khiến việc thực hiện chế độ, chính sách cho người có uy tín nảy sinh nhiều bất cập.
Giảm 23 thôn vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc TP đã tham mưu UBND TP Hà Nội phê duyệt danh sách người có uy tín vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2018 – 2023 gồm 152 người. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát danh sách người có uy tín hàng năm.
Cuối năm 2019, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, 4 huyện có đồng bào DTTS sinh sống tập trung gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, đều có các thôn phải sáp nhập, đổi tên. Theo thống kê, hiện có tổng số 42 thôn vùng DTTS và miền núi thuộc 4 huyện kể trên phải thực hiện sáp nhập thành 19 thôn (giảm 23 thôn). Ngoài ra, có 2 thôn thuộc xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) được đổi tên.
Đại diện Ban Dân tộc TP cho biết, theo quy định tại Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi thôn thuộc vùng DTTS và miền núi có đủ điều kiện chỉ được bình chọn một người có uy tín. Thực hiện Nghị quyết số 31 của HĐND TP, mô hình tổ chức bộ máy, quy mô dân số ở thôn thuộc các xã vùng DTTS và miền núi sẽ thay đổi. Điều này dẫn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín sau sáp nhập, đổi tên thôn gặp không ít khó khăn.
Rà soát người có uy tín theo quy định
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc TP Nguyễn Ánh Dương, Ban Dân tộc TP đề xuất Ủy ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín tại các thôn mới sáp nhập, thủ tục đổi tên thôn, cũng như chế độ, chính sách đối với người có uy tín đã được Hà Nội phê duyệt. Sở dĩ vậy là bởi hiện các cấp chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này.
Liên quan đến vướng mắc của Hà Nội, mới đây, Ủy ban Dân tộc đã có văn bản nhất trí với đề nghị của Ban Dân tộc TP là mỗi thôn sau khi sáp nhập chỉ có một người có uy tín. Đối với việc thực hiện chính sách và thủ tục đưa ra khỏi danh sách, công nhận người có uy tín đối với các thôn sáp nhập, đổi tên mới, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy cho biết, Ban Dân tộc TP nghiên cứu, thực hiện căn cứ quy định tại Điều 4 Quyết định số 12 và tình hình thực tế của địa phương (trong đó có các thôn sáp nhập, đổi tên mới) để thực hiện rà soát, đưa ra khỏi danh sách.
Đối với việc bình chọn, công nhận người có uy tín, Ủy ban Dân tộc đề nghị Hà Nội thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 6, Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó có cơ sở để tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín năm 2020 và những năm tiếp theo.