Sáp nhập đơn vị hành chính - nhìn từ Si Ma Cai - Bài 1: Yêu cầu khách quan
Bài 1: Yêu cầu khách quan
LCĐT - Việc sáp nhập đơn vị hành chính nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tinh gọn đội ngũ cán bộ
Theo tiêu chí của Trung ương, tỉnh Lào Cai có 17 trong số 164 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập, sắp xếp, riêng huyện Si Ma Cai có 5 trong số 13 xã của tỉnh phải thực hiện do 1 đến 2 tiêu chuẩn cơ bản không đạt theo quy định, đó là diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Cụ thể, xã Mản Thẩn có số dân 2.052 người, diện tích là 13,14 km2; xã Quan Thần Sán có 1.767 người, diện tích là 9,98 km2; xã Cán Hồ có 1.335 người, diện tích là 8,27 km2; xã Lùng Sui có 2.459 người, diện tích là 20,44 km2; xã Lử Thẩn có 2.021 người; diện tích là 15,32 km2. Theo tiêu chí của Trung ương thì 5 xã này sẽ sáp nhập thành 2 xã mới: Xã Lử Thẩn sáp nhập với xã Lùng Sui; xã Quan Thần Sán, Cán Hồ sáp nhập với xã Mản Thẩn.
Chỉ ví dụ như xã Cán Hồ có bộ máy tương đương các xã khác với 21 chỉ tiêu biên chế nhưng chỉ phải quản lý địa bàn 2 thôn, gồm hơn 1.300 khẩu. Nếu so sánh với xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng), cũng số lượng cán bộ, công chức theo quy định như thế nhưng nhiều năm qua phải quản lý hơn 30 thôn, hơn 15.000 người và diện tích tự nhiên 78,67 km2. Điều đó cho thấy việc sáp nhập 5 xã trên của Si Ma Cai là hợp lý.
Ông Lê Đình Nghiệp, Trưởng phòng Nội vụ huyện Si Ma Cai cho biết: Những xã có quy mô quá nhỏ mà “nuôi” một bộ máy như quy định là lãng phí nhân lực và ngân sách. Mặt khác, khi sáp nhập các khu vực trong cùng một đơn vị hành chính mới sẽ hỗ trợ nhau, tạo điều kiện khai thác nguồn lực để phát triển.
Theo Nghị định của Chính phủ, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã loại III được bố trí 19 biên chế, loại II là 21 biên chế, loại I là 23 biên chế. Như vậy, nếu thực hiện sáp nhập từ 5 xã thành 2 xã thì số cán bộ, công chức giảm từ hơn 100 người xuống còn hơn 40 người, đó là chưa kể những người hoạt động không chuyên trách sẽ giảm hơn một nửa. Một phép cộng đơn giản cũng có thể thấy ngân sách hằng năm chi cho hoạt động của bộ máy sẽ tiết kiệm được đáng kể.
Ngoài ra, do lịch sử để lại, một bộ phận cán bộ cấp xã hiện có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị chưa đạt chuẩn vẫn đang được bố trí, sử dụng. Việc sáp nhập xã cũng là dịp để rà soát, đánh giá lại công tác cán bộ, từ đó lựa chọn được những người đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. “Các cán bộ, công chức dù ở vị trí lãnh đạo hay làm nhiệm vụ chuyên môn khi công tác ở các xã sau sáp nhập cũng sẽ phải nỗ lực hơn nữa nếu không muốn xếp vào diện tinh giản”, Trưởng phòng Nội vụ Lê Đình Nghiệp nhấn mạnh.
Tập trung nguồn lực đầu tư
3 xã Mản Thẩn, Quan Thần Sán và Cán Hồ được định hướng là vùng trồng cây ăn quả ôn đới của huyện Si Ma Cai, còn xã Lùng Sui và xã Lử Thẩn đang đẩy mạnh phát triển cây dược liệu. Do khác về đơn vị hành chính nên ở mỗi xã lại có cách triển khai khác nhau khiến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, hiệu quả chưa được như mong muốn. Cùng với đó là sự liên kết giữa các hộ nông dân ở các xã khác nhau còn hạn chế nên chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn để xây dựng các cơ sở chế biến và hình thành chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở liên kết sản xuất, tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, ông La Văn Nghiệp cho biết, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sự tập trung, thống nhất cao hơn.
Về nội dung này, ông Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai khẳng định: Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án hợp nhất các xã phải đảm bảo tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội ở dạng mở, đủ quy mô để nghiên cứu đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Sau khi sáp nhập xã, một trong những công tác trọng tâm được huyện Si Ma Cai xác định là tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông và lĩnh vực xã hội để người dân được hưởng lợi.
Trong những năm qua, hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông ở các xã Cán Hồ, Mản Thẩn, Quan Thần Sán, Lử Thẩn, Lùng Sui đã và đang được khẩn trương triển khai với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Các công trình cầu, đường, thủy lợi mới góp phần vừa tạo nên diện mạo khang trang cho các xã sau khi sáp nhập, vừa giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân địa phương từ nhà đến trung tâm xã và tới các vùng. Cùng với đó, hạ tầng giao thông cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh, từ đó ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, thời gian qua, huyện Si Ma Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đảng viên, cán bộ, nhân dân hiểu rõ chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Từ đó người dân tin tưởng, kỳ vọng vào những thay đổi tích cực và mong muốn sau sáp nhập sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện thay đổi, sửa đổi giấy tờ cá nhân, hồ sơ tư pháp và những vấn đề liên quan đến giao dịch hành chính.
Ông Tráng Seo Pao, ở thôn Lao Chải, xã Quan Thần Sán cho biết: Chúng tôi đều ủng hộ chủ trương của Nhà nước và đồng tình cao với việc sáp nhập. Sắp tới, các chương trình, dự án được đầu tư quy mô, tập trung hơn, bà con càng phấn khởi.
Còn ông Thào Sao Lao, thôn Lênh Sui Thàng, xã Lùng Sui thì hy vọng các xã cũ sau khi sáp nhập có phương án sử dụng hợp lý không để dư thừa cơ sở vật chất, nhất là trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Cùng với đó, sau khi các xã mới được hình thành, Nhà nước hỗ trợ nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng (trường học, trạm y tế...) đồng bộ cho xã mới, đảm bảo kết nối liên thông giữa các thôn, bản.
Việc triển khai chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đã và đang nhận được sự đồng thuận cao, là niềm tin, động lực để huyện vùng cao Si Ma Cai vươn lên mạnh mẽ.