Sáp nhập phường ở TPHCM, cán bộ một cửa nêu loại giấy tờ gây chút rắc rối

Các phường mới tại TPHCM dù chưa hoàn tất việc bố trí trụ sở mới, công tác cán bộ vẫn chưa xong, nhưng việc phục vụ người dân vẫn được đảm bảo. Riêng hồ sơ liên quan đến vay vốn ngân hàng và đất đai có phần rắc rối.

Cán bộ tận tâm, người dân vui vẻ khi thực hiện thủ tục hành chính tại phường 8, quận 10. Ảnh: Phương Quyên

Cán bộ tận tâm, người dân vui vẻ khi thực hiện thủ tục hành chính tại phường 8, quận 10. Ảnh: Phương Quyên

Tận tâm, tận lực để người dân yên tâm

Những ngày đầu sáp nhập, tại phường 9 (được sáp nhập giữa phường 10 và phường 9), quận 3, TPHCM, các thủ tục hành chính vẫn diễn ra bình thường.

Anh B. đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa cho biết, anh rất lo lắng khi địa chỉ CCCD là phường 10, nhưng nay phường mới sau sáp nhập lấy tên phường 9 thì việc làm hồ sơ có ách tắc hay không?

Lo lắng của anh B. lập tức tan biến khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ xử lý mọi việc đều trôi chảy.

Trao đổi nhanh với PV VietNamNet khi vẫn tiếp dân, ông Mai Văn Hùng, cán bộ văn phòng - thống kê phường 9 cho biết, rất nhiều người đến làm thủ tục hành chính đều mang tâm trạng lo lắng việc khác tên phường so với CCCD thì hồ sơ có được giải quyết không.

 Ông Mai Văn Hùng, cán bộ văn phòng - thống kê phường 9 trao đổi về công tác tiếp dân và giải quyết hồ sơ tại trụ sở phường mới. Ảnh: H.V

Ông Mai Văn Hùng, cán bộ văn phòng - thống kê phường 9 trao đổi về công tác tiếp dân và giải quyết hồ sơ tại trụ sở phường mới. Ảnh: H.V

“Một số người ở phường 10 cũ khi ghi hồ sơ còn hỏi chúng tôi có ghi chú thêm tên phường cũ hay không. Chúng tôi giải đáp ngay là không cần, vì hệ thống hành chính của phường mới tự động nhận diện và cập nhật luôn cho người dân mà không cần ghi chú gì thêm”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, khi sáp nhập 2 phường thì hồ sơ tăng lên gấp đôi. Nhưng nhờ có sự chủ động từ trước, cán bộ cứ theo nếp cũ làm nên việc phục vụ người dân diễn ra bình thường và nền nếp. Mọi lo lắng của người dân đều được hướng dẫn tận tâm với nguyên tắc “không chậm trễ với bất cứ lý do nào”.

Ông Hùng cũng cho biết, công tác cán bộ tại bộ phận một cửa tuần sau mới hoàn tất việc phân công cụ thể. Nhưng việc phục vụ người dân vẫn phải diễn ra bình thường, thậm chí nhanh hơn theo tinh thần “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.

Còn tại phường 10, quận 10 (được sáp nhập giữa phường 11 và phường 10), cán bộ bộ phận một cửa vừa giải quyết công việc, vừa hướng dẫn tận tình mọi thắc mắc của người dân.

Phó chủ tịch UBND phường 10, quận 10 Nguyễn Hồng Lý (người đứng) luôn túc trực cùng cán bộ tại bộ phận một cửa, để giải quyết ngay khi có sự cố. Ảnh: Phương Quyên

Phó chủ tịch UBND phường 10, quận 10 Nguyễn Hồng Lý (người đứng) luôn túc trực cùng cán bộ tại bộ phận một cửa, để giải quyết ngay khi có sự cố. Ảnh: Phương Quyên

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, công chức Tư pháp - hộ tịch cho biết, những hồ sơ hành chính thông thường đều được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn như mọi khi. Riêng hồ sơ liên quan đến vay vốn ngân hàng và đất đai thì có hơi rắc rối.

Theo ông Tuấn, loại giấy tờ này nơi cư trú sẽ không đúng với tên phường mới (với những hộ dân cư trú tại phường 11 cũ), mà ngân hàng hay hồ sơ bất động sản đều hay “bắt bẻ” vấn đề này. Do đó, cán bộ vừa giải quyết hồ sơ, vừa hướng dẫn người dân các thủ tục cần thiết liên quan đến ngân hàng và đất đai.

“Vấn đề này người dân cũng yên tâm, khi việc liên thông giữa bộ phận một cửa và các thủ tục xác nhận từ bên công an phường đã được chủ động liên thông. Do đó, các hồ sơ được giải quyết nhanh gọn, không gây thêm phiền phức cho người dân”, ông Tuấn khẳng định.

Sáp nhập phường nhưng việc dân không xáo trộn

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Minh Kiệt, Chủ tịch UBND phường 10, quận 10 cho biết, để việc phục vụ người dân thông suốt, phường bố trí một phó chủ tịch túc trực tại bộ phận một cửa, giải quyết ngay khi có sự cố hay cần ý kiến lãnh đạo phường.

Ông cũng thông tin, khi sáp nhập, số dân tăng gấp đôi, trong khi bộ máy phải tinh gọn hơn trước. “Tuy nhiên, chúng tôi đã ưu tiên bố trí cán bộ cho bộ phận một cửa để việc của dân không bị chậm trễ. Mỗi cán bộ đều được nhắc nhở làm việc trách nhiệm hơn, để người dân không mang tâm trạng lo lắng sẽ có xáo trộn khi sáp nhập phường”, ông Kiệt bày tỏ.

Bà Nguyễn Ngọc Bảo Quyên (người đứng), Bí thư phường 8, quận 10 luôn theo sát và chỉ đạo công tác tiếp dân tại bộ phận một cửa trong những ngày đầu hoạt động của phường mới. Ảnh: Phương Quyên

Bà Nguyễn Ngọc Bảo Quyên (người đứng), Bí thư phường 8, quận 10 luôn theo sát và chỉ đạo công tác tiếp dân tại bộ phận một cửa trong những ngày đầu hoạt động của phường mới. Ảnh: Phương Quyên

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Bảo Quyên, Bí thư phường 8 (phường mới được sáp nhập giữa phường 5 và phường 8), quận 10 cho biết, bộ phận một cửa là nơi được bố trí cán bộ đầy đủ nhất, với tinh thần "việc của dân không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập phường".

Theo bà Quyên, khi hợp nhất, mỗi vị trí tại bộ phận một cửa từ 2 cán bộ tăng lên thành 4. Do đó, công việc được phân chia gọn gàng hơn và việc giải quyết hồ sơ cho người dân theo đó còn nhanh hơn trước.

“Sáp nhập là việc của chính quyền, người dân không quan tâm việc đó, mà chỉ quan tâm việc giải quyết hồ sơ nhanh hay chậm. Mỗi cán bộ đều phải nhận diện được tinh thần đó để phục vụ người dân tốt hơn”, bà Quyên nhấn mạnh.

Trước đó, tại buổi làm việc với các địa phương thuộc diện sáp nhập, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu việc sáp nhập không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, không phát sinh thêm các thủ tục, không yêu cầu người dân thay đổi giấy tờ khi chưa có nhu cầu.

Ông cũng yêu cầu, sau sáp nhập không bỏ trống địa bàn, không bỏ trống trụ sở dôi dư.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, TPHCM sáp nhập 80 phường thành 41 phường mới, giảm 39 phường.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sap-nhap-phuong-o-tphcm-can-bo-mot-cua-neu-loai-giay-to-gay-chut-rac-roi-2359543.html