Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố ở Na Hang: Nhân dân đồng thuận

Huyện Na Hang có 12 xã, thị trấn với 127 thôn, bản. Trên cơ sở rà soát các thôn, bản có điều kiện sáp nhập, huyện đã xây dựng kế hoạch sắp xếp, sáp nhập 26 thôn, bản, tổ dân phố thành 13 thôn, bản, tổ dân phố mới.

Nhà văn hóa 2 tổ dân phố 16 và Hà Vị nay là tổ 7 thị trấn Na Hang.

Nhà văn hóa 2 tổ dân phố 16 và Hà Vị nay là tổ 7 thị trấn Na Hang.

Như vậy, sau khi sắp xếp, sáp nhập, đến nay huyện còn 114 thôn bản, tổ dân phố. Cụ thể, thị trấn Na Hang sáp nhập 10 tổ dân phố để thành lập 5 tổ dân phố mới; xã Năng Khả sáp nhập 4 thôn để thành lập 2 thôn mới; xã Thượng Nông sáp nhập 6 thôn để thành lập 3 thôn mới; các xã Côn Lôn, Thanh Tương, Sinh Long mỗi xã sáp nhập 2 thôn thành lập 1 thôn mới.

Ông Nguyễn Thế Đồi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Na Hang cho biết, huyện đã kiện toàn, sắp xếp, sáp nhập lại tổ chức chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở các tổ dân phố. Các thôn, bản, tổ dân phố sau khi sáp nhập đồng thời lấy phiếu tín nhiệm về danh sách bầu trưởng thôn, tổ trưởng, tổ phó lâm thời, sau đó Đảng ủy xã chỉ định lâm thời bí thư chi bộ đối với đồng chí tổ trưởng, trưởng thôn. Dự kiến trong tháng 10-2019 các địa phương sẽ tiến hành bầu cử để bầu ra trưởng thôn, tổ trưởng chính thức. Các địa phương cũng đã tuyên truyền cho người biết sự thống nhất đồng bộ về thay đổi hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết các vấn đề thay đổi trong thủ tục hành chính. Những cán bộ thôn thuộc diện dôi dư sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố đều bày tỏ thoải mái về tinh thần, chấp hành theo sự sắp xếp của tổ chức.

Tổ dân phố 7 thị trấn Na Hang được sáp nhập từ tổ dân phố 16 và tổ dân phố Hà Vị. Sau khi nắm được chủ trương của huyện sẽ sáp nhập, chi bộ cũng như chính quyền 2 tổ đã sớm chủ động triển khai thực hiện một số công việc chung của 2 tổ. Cả 2 tổ đã bàn bạc cùng nhau đóng góp kinh phí mỗi hộ 1,7 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa chung. Ông Nguyễn Văn Thắng, tổ 7 thị trấn Na Hang cho biết, việc sáp nhập 2 tổ dân phố đem lại rất nhiều lợi ích đối với bà con, khi số hộ trong tổ đông lên thì mọi phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao… sẽ được đẩy mạnh; các tổ chức chính trị - đoàn thể trong tổ cũng sẽ hoạt động mạnh hơn.

Ông Chẩu Văn Phúc, người được nhân dân cả 2 tổ tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng đồng thời được cấp ủy tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ tổ 7 (lâm thời) cho biết, vừa qua, chi bộ mới sinh hoạt kỳ đầu tiên phân công các đồng chí đảng viên đảm nhiệm một số nhiệm vụ chung của tổ. Mọi việc đều thuận lợi, thể hiện sự nhất trí cao trong toàn chi bộ. Để đi vào hoạt động ổn định, chi bộ luôn nhấn mạnh yếu tố đoàn kết là hàng đầu.

Hai thôn Pá Làng và Nà Đứa của xã Thanh Tương là hai thôn cuối cùng hoàn thành việc sáp nhập. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập, 89% người dân ủng hộ. Tuy nhiên, bà con nhân dân 2 thôn vẫn còn một số băn khoăn về tên gọi của thôn chung; những hộ dân thôn Nà Đứa nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương trình 135 lo ngại khi sáp nhập sẽ không còn được hưởng.

Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết, để bà con nhân dân 2 thôn yên tâm về chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã đề xuất với Phòng Dân tộc huyện có sự linh hoạt trong việc phân bổ nguồn vốn 135 khi 2 thôn sáp nhập. Xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được chủ trương sáp nhập, nhờ vậy bà con không còn băn khoăn lo ngại, đều nhiệt tình ủng hộ.

Như vậy tính đến ngày 25-5, huyện Na Hang đã hoàn thành công tác sắp xếp, sáp nhập thôn bản, tổ dân phố. Do có sự chuẩn bị kỹ các bước thực hiện từ trước, nên việc sắp xếp, sáp nhập cơ bản thuận lợi, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đảm bảo đúng mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/sap-nhap-thon-ban-to-dan-pho-o-na-hang-nhan-dan-dong-thuan-118607.html