Sáp nhập TP. Hải Phòng và Hải Dương: Mở không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực hai địa phương

Sau khi sáp nhập với Hải Dương, thành phố Hải Phòng mới có diện tích 3.195km2, với hơn 4 triệu dân.

Lãnh đạo 2 địa phương ký kế hoạch phối hợp xây dựng và triển khai đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng. (Nguồn: Vietnamnet)

Lãnh đạo 2 địa phương ký kế hoạch phối hợp xây dựng và triển khai đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng. (Nguồn: Vietnamnet)

Chiều 18/4, tại Hải Phòng - nơi được chọn đặt trung tâm hành chính mới, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có buổi làm việc chính thức để trao đổi, thống nhất một số nội dung về hợp nhất 2 địa phương.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đồng chủ trì buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với tinh thần tinh gọn nhất, hiệu quả và gần dân nhất.

Cùng với đó là tổ chức xây dựng và triển khai đề án một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Hai địa phương cũng thống nhất định hướng bố trí trụ sở làm việc của cơ quan đơn vị hành chính cấp tỉnh mới; bố trí nhà ở công vụ; phương án kết nối giao thông và một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội...

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, khăng khít, mang tính xây dựng trong quá trình chuẩn bị việc sáp nhập. Ông cũng đề nghị, 2 địa phương chủ động phối hợp thống nhất phương án bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh mới, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả.

Trong đó, cần quan tâm chính sách hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức; thống nhất các chủ trương liên quan đến sáp nhập và giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đồng thời, xây dựng một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu trong giai đoạn đầu sau hợp nhất, tạo nền tảng để TP. Hải Phòng sau hợp nhất phát triển đúng định hướng Trung ương đề ra.

Hải Phòng sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hải Dương và khẩn trương nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa 2 địa phương để tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân trong việc đi lại. (Nguồn: TTXVN)

Hải Phòng sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hải Dương và khẩn trương nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa 2 địa phương để tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân trong việc đi lại. (Nguồn: TTXVN)

"Hợp nhất là cơ hội mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực của 2 địa phương để xây dựng thành phố mới là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics hiện đại, phát triển bền vững và tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Hải Phòng sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hải Dương và khẩn trương nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa 2 địa phương để tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân trong việc đi lại", Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ 2 địa phương đã ký kế hoạch phối hợp xây dựng và triển khai đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng.

(theo Vietnamnet)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sap-nhap-tp-hai-phong-va-hai-duong-mo-khong-gian-phat-trien-moi-toi-uu-hoa-nguon-luc-hai-dia-phuong-311616.html