Sáp nhập trường, sắp xếp lại lãnh đạo trường còn nhiều tâm tư
Việc sáp nhập, sắp xếp lại giữa các trường, điểm trường đang được triển khai, đẩy mạnh ở nhiều địa phương.
Việc này đem lại những lợi ích không hề nhỏ: tập trung nguồn lực, đầu tư tốt hơn cho các cơ sở giáo dục, hạn chế tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ, tinh giản được Ban giám hiệu, một số bộ phận hành chính khác nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của hoạt động giáo dục.
Việc sắp xếp lại giáo viên, nhân viên giữa các trường, điểm trường thường diễn ra thuận lợi, xuôi buồm thuận gió.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục thường có không ít tâm tư, thậm chí là bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Các thầy cô giáo trường trung học cơ sở M. ở huyện nọ rất không đồng tình với quyết định của cấp trên khi ra quyết định đối với thầy T., từ Hiệu trưởng xuống Phó Hiệu trưởng, còn chức danh Hiệu trưởng thì điều động một cán bộ quản lý từ một nơi khác về.
Vì thầy T. có phẩm chất đạo đức và năng lực quản lý điều hành rất tốt, được anh chị em, đồng nghiệp cả trường và các trường trong huyện tín nhiệm, đánh giá cao, hơn hẳn nhiều mặt so với thầy Hiệu trưởng mới.
Một cán bộ thuộc Ban tổ chức của tỉnh Q. đã nghỉ hưu nhận xét: “Công tác tổ chức cán bộ cực kỳ quan trọng, chọn đúng người, đúng việc là tốt cho cả đơn vị, trường học.
Các địa phương hiện nay rất chú trọng chọn những cán bộ hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn cần thiết để quản lý, điều hành cơ quan, tập thể.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn làm chưa kỹ, chủ yếu nhìn vào các mối “quan hệ” mà ra quyết định chứ chưa quan tâm, chú trọng đúng mức đến năng lực, phẩm chất, kết quả làm việc của cán bộ quản lý trường học.
Thành ra, một số người phẩm chất, năng lực hạn chế, thậm chí yếu kém lại được chọn lựa, sắp xếp vào vị trí Hiệu trưởng.”
Tất nhiên, thầy cô giáo hạn chế, kém cỏi được giữ ghế hoặc lên chức sẽ phấn khởi, vui mừng.
Còn thầy cô giáo có năng lực, uy tín song do thiếu “quan hệ” với cấp trên mà phải xuống chức hoặc làm giáo viên thì buồn bã, thất vọng.
Giáo viên cả trường ủng hộ, bỏ phiếu nhưng làm sao bằng một tờ quyết định của cấp trên.
Theo tôi, giáo dục là ngành đặc thù, vai trò, năng lực, uy tín của người đứng đầu (hiệu trưởng) vô cùng quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn đối sự phát triển, chất lượng giáo dục của nhà trường.
Do vậy, khi rà soát, sắp xếp lại các chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, người lên chức, người giữ chức và người xuống chức, các cấp quản lý ở địa phương cần thận trọng, cân nhắc thật kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của tập thể giáo viên, lựa chọn bằng được các thầy cô giáo thực sự có năng lực, tâm huyết với nghề, từng có nhiều kinh nghiệm và thành tích tốt.
Có vậy các nhà trường mới ổn định và tiếp tục phát triển bền vững.