Sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 'không phù hợp' và 'khập khiễng'

Việc sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào văn phòng giúp việc của chính quyền địa phương là 'không phù hợp' và 'khập khiễng'.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Chiều nay (9/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Về vấn đề sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND và UBND cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cho rằng không phù hợp do chức năng, nhiệm vụ không giống nhau và tách bạch ở mức độ tham mưu.

Theo đại biểu, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ngoài các nhiệm vụ chung còn có nhiệm vụ hết sức đặc biệt là tham mưu để hỗ trợ đại biểu trình các dự án luật như các chuyên viên, cán bộ của Văn phòng Quốc hội.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương là Văn phòng HĐND và UBND. Do đó, việc sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào văn phòng giúp việc của chính quyền địa phương không phù hợp và khập khiễng.

Bên cạnh đó, cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc như cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội. Hiện tại, chuyên viên và cán bộ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội hưởng chính sách như chuyên viên và cán bộ của Văn phòng Quốc hội; nếu sáp nhập thì sẽ chuyển về và hưởng chính sách của địa phương, chưa tạo động lực để khuyến khích đội ngũ này thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh, với việc xác định địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội giữ theo quy định của luật hiện hành thì Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn có trụ sở làm việc và vẫn có Văn phòng giúp việc của Đoàn. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu giữ hoạt động của 3 văn phòng này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) nêu rõ, qua thực tiễn thí điểm cho thấy việc hợp nhất 3 Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh là không hiệu quả. Tuy nhiên về mặt nghiên khoa học lý luận thì chưa có cơ quan chủ trì thực hiện.

Cho rằng yêu cầu rất lớn của Hiến pháp 2013 là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính vì yêu cầu đó mà bộ phận tham mưu giúp việc cũng cần có tính độc lập tương đối để giúp cho cơ quan thực hiện quyền giám sát.

Từ phân tích trên, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng không đủ cơ sở về mặt khoa học, lý luận và thực tiễn để nhập 3 Văn phòng thì nên giữa nguyên như quy định hiện hành.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Đoàn đại biểu Quốc hội được xác định là một thiết chế giám sát, nhưng ở dưới địa phương được coi là ngang hàng, thậm chí còn yếu thế hơn cả các cơ quan bị giám sát là không phù hợp.

Theo ông Nhưỡng, mỗi văn phòng đều có chức năng riêng, từ công tác tổ chức, con người đến nhiệm vụ, chức năng.

Từ đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tất cả những vấn đề có liên quan đến hoạt động Nhà nước, dù có mối liên hệ nhưng phải có sự phân định rất rạch ròi mới có thể làm việc được, đại biểu nhấn mạnh việc sáp nhập sẽ không đem lại hiệu quả và cần nghiên cứu thật kỹ.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sap-nhap-van-phong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-khong-phu-hop-va-khap-khieng-post82045.html