Sắp nối liền một mạch cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang
Những ngày cuối năm này, trên công trường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hàng ngàn kỹ sư, công nhân cùng máy móc thiết bị đang khẩn trương thi công cả ngày lẫn đêm để kịp thông xe kỹ thuật vào ngày 30/12/2023 theo hợp đồng.
Toàn tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ còn chờ hơn 78 km đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành là nối liền một một mạch. Vì vậy, Chính phủ và Bộ GT-VT chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương, để đưa cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào sử dụng dịp 30/4/2024. Thử thách lớn nhất của dự án cao tốc này là khoan hầm núi Vung (dài 2,2 km tại huyện Thuận Nam - Ninh Thuận), đây là hầm đường bộ dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, do nền địa chất yếu ngoài dự kiến, nên Tập đoàn Đèo Cả phải tốn thêm 3 tháng và nhiều chi phí thi công. Hiện trong lòng hầm núi Vung, hàng trăm công nhân của Đèo Cả đang làm việc 3 ca 4 kíp để kịp thông xe vào cuối tháng 4/2024.
Công nhân thi công phần đường cao tốc phía nam hầm Núi Vung
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khởi công tháng 9/2021, dài 78,5 km (từ nút giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết), vốn đầu tư 8.900 tỷ đồng, theo hình thức PPP, đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa (5 km)- Ninh Thuận (63 km) - Bình Thuận (12 km), kết nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đã thông xe vào dịp 19/5/2023), để nối liền mạch thông suốt tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang (Khánh Hòa) và ngược lại, rút ngắn một nửa hành trình từ 8 giờ đi theo QL1 xuống còn hơn 4 giờ, giúp kết nối các trung tâm du lịch, khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch các tỉnh Nam trung bộ, trong đó có Bình Thuận.
Năm 2023, hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành, đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội phát triển KT-XH cho nhiều địa phương, trong đó có Bình Thuận.