Sắp ra mắt Sóng- nhạc kịch thuần Việt về cuộc đời thi sĩ Xuân Quỳnh
Nhà hát Tuổi trẻ đang thực hiện dự án Nhạc kịch Sóng - Song The Musical, vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với câu chuyện dựa trên cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, phản ánh câu chuyện khát vọng theo đuổi ước mơ của phụ nữ Việt.
Nhạc kịch Sóng dự kiến công diễn vào đầu tháng 3 tới
Câu chuyện của Sóng bắt đầu khi Xuân Quỳnh là một cô diễn viên múa 18 tuổi xinh đẹp của Nhà hát ca múa nhạc, tính tình hoạt bát sôi nổi. Tại đây cô nảy sinh tình yêu trong sáng với anh nhạc công Trọng Khoa. Hai người kết hôn và sinh một cậu con trai.
Bên cạnh là một diễn viên múa, cô luôn khao khát trở thành một nhà thơ nhà văn nên đã chuyển sang học viết văn và làm việc tại nhà xuất bản khi được in những tập thơ đầu tiên.
Trong thời gian làm việc ở tòa soạn, Quỳnh có gặp Đăng Dương, con của một người bạn thơ lớn tuổi. Đăng Dương cảm mến văn tài và rung động trước vẻ đẹp cũng như tính cách hoạt bát, sôi nổi của bậc đàn chị Xuân Quỳnh.
Khi Quỳnh dần đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp thi ca cũng chính là lúc cuộc hôn nhân đầu tiên rạn nứt. Quỳnh cảm thấy cô đơn vì không tìm được sự hòa hợp trong tâm hồn với chồng. Quỳnh đi đến quyết định chia tay Khoa và tái hôn với Đăng Dương trước những kỳ thị của xã hội, không đồng thuận của người thân. Cuộc sống gia đình tuy vất vả khó khăn trong kỳ bao cấp nhưng vẫn rất ấm áp bởi sự hòa thuận cộng hưởng của những trái tim nhân hậu ít có gia đình nào vào lúc bấy giờ mà trong 01 căn nhà 06 m2 mà con anh, con tôi, con chúng ta lại nhiều tiếng cười vui vẻ như vậy.
Cho đến khi Dương dần gặt hái những thành công trong nghề, thường xuyên đi công tác xa nhà và được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ. Cùng lúc này, căn bệnh tim của Quỳnh tái phát khiến cô nhập viện. Quỳnh bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực.
Xuyên suốt vở nhạc kịch Sóng, ê-kíp sử dụng lời thoại được sáng tạo dựa trên các bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại… để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.
Những bức thư tình vượt thời đại của cặp vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng được biên kịch gửi gắm vào vở nhạc kịch, nhằm làm tròn trịa hơn không khí lãng mạn yêu đương rất đời và cũng rất thơ thời bấy giờ.
Điểm đáng chú ý nhất trong dàn dựng của Sóng là hình tượng thuyền và biển được khai thác tối đa để khắc họa cuộc đời và những thăng trầm của nữ thi sĩ. Cụ thể trong dàn dựng sân khấu, ca khúc Thuyền và biển được với phối khí như người kể chuyện.
Các bối cảnh, công nghệ và đạo cụ sân khấu như đèn led, màn nhung đen, lụa xanh… cũng được hình tượng hóa để thể hiện rõ nét nhất hai biểu tượng này. Chỉ khi con thuyền - Xuân Quỳnh được xuống biển - Đăng Dương, chỉ khi gặp được đúng người đàn ông của cuộc đời, nhân vật mới đạt đến độ chín muồi của bản thể mình.
Ước mơ của Quỳnh lần đầu tiên có cảm giác trọn vẹn cả về tình yêu lẫn sự nghiệp. Thuyền bên biển như một tri kỉ đầy thấu hiểu, bên nhau để không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Nhà hát Tuổi trẻ đặt mục tiêu xây dựng Sóng là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt. Đơn vị cũng hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch thuần Việt Nam.
Dự án không bó hẹp trong phạm vi Nhà hát Tuổi trẻ mà mở rộng cơ hội hợp tác cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm đến phát triển nhạc kịch, phát triển sân khấu. Và đơn vị cũng tiên phong kết nối cộng đồng yêu bộ môn nghệ thuật này và đưa khán giả trở lại với sân khấu.
Nhạc kịch chuyên nghiệp thức dậy sân khấu "thời hoàng kim"
Luôn mơ ước xây dựng một sân khấu nhạc kịch chuyên nghiệp tại Việt Nam, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức bắt tay xây dựng vở Nhạc kịch Sóng từ năm 2021. Chị đã tập hợp được một ê-kíp sản xuất cùng chung chí hướng, từng bước vượt qua nhiều thử thách để bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ đó với vai trò là Tổng đạo diễn của chương trình.
Lý giải về việc chọn thi sĩ Xuân Quỳnh làm cảm hứng sáng tạo, NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết: "Nhà hát Tuổi trẻ năm nào cũng có tháng kịch Lưu Quang Vũ (tháng 8). Trong một cuộc họp, tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng, tại sao mình chỉ nói về anh Vũ? Còn người một lần nữa sinh ra anh Vũ thì không nói? Anh Vũ nếu như không gặp chị Quỳnh ở thời điểm đó, chắc gì chúng ta đã có Lưu Quang Vũ bây giờ?
Hai người gặp được nhau như thuyền được ra biển. Họ yêu nhau là vì họ cảm nhau về mặt tư tưởng, họ đồng điệu rồi họ mới yêu nhau, họ mới vượt qua tất cả mọi thứ để đến với nhau. Vì họ cảm thấy rằng có nhau thì con người họ mới được đầy đặn, mới được thật sự thỏa mãn cả nội tâm lẫn thể xác. Sao chúng ta khai thác nhiều Kịch bản của A Vũ mà không nói về chính tình yêu của chính họ?
Tôi đã đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, càng đọc càng bị cuốn vào và thấy mảng thơ của hai người rất đẹp. Nó đẹp vì đúng, đẹp và đúng thì sẽ trường tồn. Tôi nghĩ, hầu như ai cũng thuộc ít nhất một vài câu thơ của Xuân Quỳnh và xuất phát từ đó, tôi đã đã làm Trời biếc thu sang và bây giờ là Sóng".
Cũng theo Tổng đạo diễn Sóng, nếu chọn một tác phẩm có sẵn, kinh điển thì sẽ đông người xem, đó là cách làm an toàn và không khó. "Nhưng tôi đang muốn làm nhạc kịch của Việt Nam mà lại mang vở nước ngoài về dựng thì còn gọi gì là thuần Việt nữa" - chị nói.
Yêu mến bộ môn nghệ thuật thứ 6, NSƯT Cao Ngọc Ánh không khỏi tiếc nuối cho một thời vàng son của sân khấu, đồng thời trăn trở cách nào để đánh thức sân khấu đang ngủ quên? Cách nào để cộng đồng lại say mê những vở diễn hệt như một món ăn tinh thần không thể thiếu?
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ê-kíp của các nhà hát trên khắp cả nước đã nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, làm mới nhiều vở diễn, đặc biệt là loạt vở diễn mang hơi hướng nhạc kịch như: Cuộc chiến vô cực, Tôi đọc báo sáng nay, Những người khốn khổ… đã làm bừng sáng sân khấu Thủ đô và gặt hái những phản ứng tích cực từ cộng đồng.
"Chúng tôi thêm tin rằng, mặc cho những yếu tố khách quan về các loại hình giải trí khác luôn thường trực, sự "đói" về nghệ thuật văn minh và bài bản, sự "khát" về một nghệ thuật đại diện cho tiếng nói thời cuộc đã, đang và sẽ luôn hiện hữu.
Với dự án nhạc kịch Sóng lấy cảm hứng từ cuộc đời thi sĩ Xuân Quỳnh, ê-kíp Nhà hát Tuổi trẻ ấp ủ sáng tạo nên một vở nhạc kịch hoàn toàn "vị cộng đồng", lấy khán giả làm trung tâm.
Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được đo ni đóng giày sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Sân khấu vốn là ước lệ. Nghệ thuật vốn không có khuôn khổ. Nhưng sự kết nối với trái tim người xem luôn là thước đo chính xác quyết định thành công của vở diễn" - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, bày tỏ.
Tổng đạo diễn nhạc kịch Sóng nói thêm: "Hơn cả việc mong muốn được nhìn nhận là dự án "nhạc kịch đúng nghĩa" đầu tiên tại Việt Nam, với Sóng, chúng tôi khiêm nhường mong có thể thắp một ngọn đèn, đem sân khấu Việt Nam rực rỡ và bừng sáng trở lại.
Để thức dậy những sân khấu đúng nghĩa "thời hoàng kim", là món ăn tinh thần, là tiếng nói mang hơi thở thời cuộc và là tâm tư của đa dạng tầng lớp trong xã hội đương thời"./.