Sắp tăng giá dịch vụ sử dụng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thêm 5%
VEC đang xây dựng Kế hoạch điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh, hiệu quả dự án và đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện do VEC vận hành khai thác.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do đơn vị này làm chủ đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2014.
Trước đó, ngày 29/12/2023, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành công văn số 15242/BGTVT-CĐCTVN về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Theo đó, mức giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc các dự án do VEC làm chủ đầu tư được điều chỉnh tăng 12%, riêng tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây điều chỉnh tăng 5% do bị giới hạn bởi quy định mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT (tối đa 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km).
Ngày 13/11/2024, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 32/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do trung ương quản lý.
Trong đó, bãi bỏ Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021. Giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định trên nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá.
Theo quy định khoản 1, Điều 22 của Luật Giá 2023 quy định về nguyên tắc định giá của Nhà nước phải đảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; đảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng;
Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.
Ngoài ra, Luật Giá 2023 cũng không quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc.
Các dự án đầu tư đường cao tốc của VEC, trong đó có Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc tại Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2021.
Quyết định số 2323, quy định về mức thu, lộ trình tăng giá (3 năm/lần) và tỷ lệ tăng (12%/lần) để đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án, đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư.
Do đó, để đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh, hiệu quả dự án và đảm bảo khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư dự án, phù hợp với Quyết định số 2323, VEC dự kiến thực hiện điều chỉnh mức giá dịch vụ cho tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự kiến, giá dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được điều chỉnh từ 2.100 đồng/PCU/km lên 2.240 đồng/xe tiêu chuẩn/km, tương ứng với mức tăng 7%. Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định hiện hành.
VEC sẽ thông báo công khai về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ trước khi áp dụng mức giá mới.