Sắp triển khai GDPT mới, làm sao để môn Sử không còn là nỗi sợ của học sinh?

Nên đưa các giáo viên ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung học phổ thông đại trà tham gia vào công tác làm đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đánh giá, Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ hội để đổi mới sách giáo khoa cũng như phương pháp giảng dạy các môn học, trong đó có môn Lịch sử.

Từ trước đến nay, bộ môn Lịch sử luôn được quan tâm và đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này cũng vậy.

Theo như kế hoạch, năm học sắp tới 2022 – 2023 chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai đối với lớp 10 mà môn Lịch sử thuộc nhóm môn tự chọn nên nhiều lo ngại việc đại đa số học sinh sẽ ngó lơ môn học này.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đem băn khoăn này đi hỏi Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì được thầy cho biết gốc rễ của vấn đề học sinh sợ, chán học Lịch sử nằm ở khâu ra đề thi chứ không phải là phương pháp dạy hay người dạy.

 Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh: Xuân Trung)

Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh: Xuân Trung)

Thầy Bình nhận định, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông quá khó, trong khi đó trình độ học sinh thì khác nhau nên dẫn đến kết quả thi môn Lịch sử trung bình trong cả nước thấp.

Nhìn lại phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử của cả nước năm 2021 cho thấy, có 637.005 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử trong đó điểm trung bình là 4.97 điểm, điểm trung vị là 4.75 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.0 điểm. Đây là môn thi có kết quả thấp nhất trong kỳ thi năm 2021. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây điểm Lịch sử luôn ở khu vực cuối bảng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo thầy Bình, kết quả này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh khi quyết định có lựa chọn môn Lịch sử hay không trong năm học tới đây. Nhiều học sinh có sự e ngại, sợ môn Lịch sử.

Để giải quyết lo lắng này, thầy Bình đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra đề thi có sự phân hóa và sát với chương trình học để học sinh ở nhiều trình độ khác nhau có thể làm bài được. Bên cạnh đó nên đưa các giáo viên ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung học phổ thông đại trà tham gia vào công tác làm đề và giảm bớt giáo viên ở trường chuyên. Có như vậy mới biết học sinh trung học phổ thông ở trình độ nào và ra đề phù hợp.

Sách giáo khoa cần sát với thực tế và sinh động hơn

Từ trước đến nay sách giáo khoa môn Lịch sử bị đánh giá quá nhiều số liệu, sự kiện lịch sử. Đây là một trong những nguyên nhân khiến học sinh chán, sợ môn Lịch sử. Chương trình mới này cũng là lúc để các nhà chuyên môn nhìn nhận lại và cải cách sách giáo khoa làm sao để thôi thúc niềm yêu thích học môn Lịch sử đến với nhiều học sinh hơn.

Chia sẻ về cuốn sách Lịch sử 10 trong chương mình mới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh - Trưởng bộ môn lý luận và phương pháp dạy học lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng là Chủ biên môn Lịch sử 10 - bộ sách Cánh Diều thông tin, sẽ có nhiều điểm mới trong bộ sách Lịch sử năm sau. Cuốn sách được đội ngũ chủ biên hứa hẹn sẽ giúp học sinh nhìn nhận về Lịch sử không còn là môn học thuộc lòng, nhiều dữ liệu, sự kiện mà là một môn học sát với thực tế, giúp các em có hứng thú khi học.

Về nội dung, sách giáo khoa mới được biên soạn theo các chủ đề, chuyên đề, các vấn đề của lịch sử. Sách giáo khoa mới lớp 10 có 7 chủ đề, có 3 chuyên đề liên quan đến các nền văn minh thế giới, còn lại là lịch sử Việt Nam. Các bài học sẽ được triển khai theo dạng các nội dung chuyên sâu và phổ quát chứ không đơn thuần là các chuỗi sự kiện, ngày tháng năm khiến học sinh nhàm chán.

Một trong những nội dung trong sách Lịch sử lớp 10 của bộ sách Cánh Diều

Một trong những nội dung trong sách Lịch sử lớp 10 của bộ sách Cánh Diều

Theo thầy Ninh, nội dung trong sách giáo khoa lớp 10 sẽ nâng cao mở rộng và mang tính đặc thù hơn nội dung được giảng dạy ở trung học cơ sở.

Về hình thức, mỗi trang sách đều có sự phối kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và chữ viết. Hai thành tố này hỗ trợ cho nhau để thực hiện mục tiêu của bài học. Hệ thống chữ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Những hình ảnh phong phú, đa dạng phụ họa cho chữ viết giúp giáo viên và học sinh khai thác bài học một cách tối đa, phát huy tính tư duy và định hướng cho người học.

Bên cạnh đó sách Lịch sử được biên soạn theo hướng tích hợp tức là nó được đặt với mối quan hệ với nhiều ngành khoa học khác như tư tưởng, văn hóa, … để giúp việc học lịch sử trở nên đời thường, gần gũi với cuộc sống thực tế hơn, qua đó, học sinh có thể nhìn thấy được những câu chuyện của xã hội hiện đại như áo dài dân tộc, công nghệ sinh học, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo,... Đây được xem là một trong những cải tiến có thể giúp khơi gợi niềm đam mê của học sinh với môn Lịch sử để khi các em học không còn là những kiến thức xa xôi mà đó chính là cuộc sống đang hiện hữu.

Quan trọng nhất vẫn là người dạy

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, dù một cuốn sách có hấp dẫn như thế nào thì quan trọng nhất vẫn là ở người dạy. Thầy cô phải là người truyền được lửa cho học sinh qua mỗi bài giảng.

Làm thế nào để học sinh có thể thấm sâu và hiểu sâu về những sự kiện lịch sử có vẻ khô khan mà không dừng lại là ở kiến thức nặng nề số liệu, ghi nhớ đó là mục tiêu của việc học môn Lịch sử. Vì vậy, để mỗi tiết học có thể phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy và truyền cảm hứng yêu lịch sử dân tộc đến học sinh thì điều này phụ thuộc phần lớn vào phương pháp dạy của giáo viên. Thầy cô dạy hay thì học sinh mới yêu thích môn học.

Thầy Ninh cho rằng, để các em yêu thích môn Lịch sử thì giáo viên cần có phương pháp dạy vừa truyền tải được nội dung chính của bài học vừa giúp các em phát huy tính chủ động, sáng tạo không chỉ đơn thuần là giáo viên đọc học sinh chép bài như xưa. Bên cạnh đó, nhà trường, giáo viên tùy vào điều kiện để tạo ra các hoạt động trải nghiệm trong từng môn học như đa dạng hóa hình thức dạy học bằng cách tổ chức các chuyến tham quan di tích lịch sử, các làng nghề, chùa, đền,.... hay tổ chức đóng vai, tranh luận ngay trong từng tiết học.

Về vấn đề này, Giáo sư Đỗ Thanh Bình cho rằng, sách giáo khoa mới thì phương pháp dạy của giáo viên cũng phải mới. Bây giờ giáo dục không phải kiểu phát thanh một chiều mà phải có sự trao đổi qua lại giữa hai bên. Giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổ chức lớp học và hướng dẫn còn học sinh sẽ là người làm chủ bài học, tự nghiên cứu, tìm tòi trên cơ sở nội dung có sẵn. Điều này sẽ giúp học sinh chủ động hơn và phát triển khả năng tư duy độc lập.

Với những thay đổi có tính đột phá về cả tư duy người dạy và sách giáo khoa, các chuyên gia hy vọng năm học tới nhiều em sẽ yêu thích môn Lịch sử và lựa chọn tổ hợp có môn Lịch sử. Bởi đây là môn học giúp các em giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, bồi dưỡng truyền thống uống nước nhớ nguồn và hình thành những phẩm chất tốt đẹp của một công dân Việt Nam, công dân toàn cầu đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại…

Trần Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sap-trien-khai-gdpt-moi-lam-sao-de-mon-su-khong-con-la-noi-so-cua-hoc-sinh-post225444.gd