Sắp xếp điểm trường, lớp học gắn với giảm biên chế

Từ năm học 2017-2018, tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành sắp xếp lại các điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Đến nay, đã giảm 216 điểm trường, tiết kiệm được 183 biên chế giáo viên. Mục tiêu đến năm 2021, toàn tỉnh giảm 302 điểm trường, 160 lớp, nhóm trẻ, tiết kiệm 257 biên chế giáo viên.

Toàn tỉnh Tuyên Quang có 480 trường. Trong đó, mầm non có 147 trường công lập, hai trường tư thục; tiểu học có 143 trường công lập, một trường tư thục; trung học cơ sở (THCS) có 157 trường, trong đó có 21 trường liên cấp với tiểu học; trung học phổ thông (THPT) có 30 trường, trong đó có một trường liên cấp với THCS. Quy mô về trường, lớp học của một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, chưa phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Nhiều trường có điểm trường lẻ, cho nên việc bố trí phòng học, trang thiết bị dàn trải. Chẳng hạn, cấp tiểu học ở huyện Lâm Bình, hai trường có năm điểm trường; tại huyện Na Hang, 11 trường có từ năm đến 11 điểm trường; tại huyện Yên Sơn, bảy trường có từ năm đến tám điểm trường...

Thực tế nêu trên dẫn đến nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên tại các điểm trường và kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của giáo viên; chất lượng dạy và học ở các điểm trường không cao. Số học sinh/lớp cũng thấp hơn so với quy định. Việc bố trí nhiều điểm trường có số học sinh thấp hoặc bố trí số học sinh/lớp thấp so với quy định làm tăng thêm lớp, gây tốn kém về kinh phí đầu tư xây dựng điểm trường, phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy và học, tăng số lượng người làm việc của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.Việc bố trí các điểm trường cũng bất hợp lý, có những điểm trường gần điểm trường chính hoặc gần với điểm trường khác, như: Trường mầm non Hợp Hòa có điểm trường Thanh Bình chỉ cách điểm trường chính 200 m; điểm trường Đồng Chùa chỉ cách điểm trường chính 800 m. Việc bố trí đội ngũ giáo viên ở một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Tính đến thời điểm tháng 5-2017, toàn tỉnh có 11.201 công chức, viên chức giáo dục, trong khi chỉ tiêu người làm việc được giao là 12.246. Bên cạnh đó, có sự mất cân đối trong việc bố trí giáo viên giữa các môn học và các trường, dẫn đến tình trạng có đơn vị thừa giáo viên bộ môn, nhưng vẫn phải ký hợp đồng lao động để dạy các môn còn thiếu giáo viên.

Trước những bất cập nêu trên, tỉnh Tuyên Quang đã sắp xếp lại các điểm trường, lớp học, gắn với bố trí số lượng người làm việc trong các trường học. Xã Phú Thịnh (huyện Yên Sơn) là đơn vị được chọn để thực hiện việc sắp xếp. Ở đây, trường THCS chỉ có bốn lớp học từ lớp sáu đến lớp chín, với 96 học sinh; trường tiểu học có 13 lớp với 204 học sinh, trong đó chỉ có năm lớp ở trường chính. Điều đáng nói, trường tiểu học và THCS của xã đều cùng một khuôn viên và gần như sử dụng chung về cơ sở vật chất, chỉ khác là có hai ban giám hiệu điều hành riêng giáo viên và học sinh của cấp mình. Nhiều giáo viên giảng dạy bộ môn không có thì thiếu mà có thì thừa, vì học sinh ít, không dạy đủ tiết theo quy định của ngành, nhưng không thể bố trí giảng dạy tại cả hai trường. Tương tự, tại xã Trung Trực (huyện Yên Sơn), học sinh ít, lại phân tán thành nhiều điểm trường, cho nên cơ sở vật chất không bảo đảm. Sau khi sắp xếp, hai xã Phú Thịnh và Trung Trực đã hình thành trường liên cấp tiểu học và THCS. Việc dạy và học vẫn bảo đảm và chất lượng học tập được nâng lên; giảm được bảy cán bộ, giáo viên. Từ hiệu quả của mô hình này, thời gian tới, huyện Yên Sơn tiếp tục sắp xếp hệ thống giáo dục tại các xã Đạo Viện, Quý Quân và Lực Hành theo mô hình trường liên cấp.

Hiện nay, việc sắp xếp lại các điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc trong các trường học đã được triển khai đồng bộ ở các trường học trong tỉnh. Đến tháng 2-2019, toàn tỉnh đã giảm 216 điểm trường, tiết kiệm được 183 biên chế giáo viên. Nhiều huyện đã chủ động rà soát, quy hoạch bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng mạng lưới giáo dục; từng bước phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các khu đông dân cư; sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ theo hướng thành lập trường liên cấp. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó đối với giáo dục mầm non thực hiện đi sâu vào các chuyên đề như: xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, duy trì ăn bán trú, dạy hai buổi/ngày, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi.

Đồng chí Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh đề ra mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2021, toàn tỉnh giảm 302 điểm trường có quy mô nhỏ, khoảng cách gần nhau, có số lượng học sinh/lớp ít để bố trí học tại trường trung tâm và các điểm trường gần trung tâm; giảm 160 lớp, nhóm trẻ; tiết kiệm 257 biên chế giáo viên. Qua đó, xây dựng các điểm trường, lớp học phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng lớp học, đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện; chú trọng phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

HẢI CHUNG và LAN HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/40571202-sap-xep-diem-truong-lop-hoc-gan-voi-giam-bien-che.html