Sắp xếp, đổi mới hoạt động công ty nông, lâm nghiệp ở Bắc Giang
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tỉnh Bắc Giang đã bám sát Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118 và các văn bản của trung ương và có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ.
Ngày 25/7, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn dẫn đầu đoàn công tác liên ngành làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành có liên quan và các công ty lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị định 118).
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tỉnh Bắc Giang đã bám sát Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118 và các văn bản của trung ương và có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ.
Đến nay, Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp 3 đơn vị và đạt được các yêu cầu của nghị quyết. Hai công ty sau chuyển đổi sang công ty TNHH hai thành viên đã thu hút được vốn từ xã hội, bước đầu gắn kết vùng nguyên liệu với chuỗi cung ứng của đối tác. Quản trị doanh nghiệp ổn định và kết quả sản xuất kinh doanh có doanh thu tăng trưởng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục đánh giá mô hình hai thành viên; đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ với các hộ nhận khoán, việc tuyên truyền với người dân để tránh phát sinh tranh chấp.
Tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo sở, ngành khẩn trương hoàn thành đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sớm hoàn thành dứt điểm, bàn giao chính thức các đơn vị hoàn thành cơ bản. Cùng với đó, tỉnh sớm phê duyệt phương án sử dụng đất sau sắp xếp; trong đó, ghi rõ mục đích sử dụng các loại đất, rừng, đất nào cho thuê, đất nào giao hoán... Đối với hai đơn vị còn lại chưa hoàn thành, tỉnh cần hoàn thành việc sắp xếp trong năm nay.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện theo hai phương thức: giải thể Công ty lâm nghiệp Sơn Động; thực hiện góp vốn với đối tác để thành lập Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Lục Ngạn, Lục Nam, Mai Sơn, Yên Thế.
Tỉnh đã hoàn thành giải thể Công ty lâm nghiệp Sơn Động, toàn bộ diện tích đất rừng và công nhân lao động đã được bàn giao nguyên trạng sang Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động. Các công nợ khác và tồn tại tài chính đã xử lý dứt điểm trước khi bàn giao. Chế độ cho người lao động được giải quyết đảm bảo đầy đủ quyền lợi không có khiếu kiện.
Việc góp vốn với đối tác đã thành lập hai công ty là Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Lục Ngạn và Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới từ tháng 1/2019.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Giang cho biết, qua hai đơn vị chuyển đổi thành công sang mô hình công ty TNHH hai thành viên nhận thấy, đây là mô hình có tính ưu việt. Về nguồn vốn, đối tác chiến lược góp vốn bằng tiền để thành lập, do vậy doanh nghiệp mới có đầy đủ vốn để đầu tư thiết bị cơ giới cải tạo đất, trồng chăm sóc và bảo vệ rừng rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, với sự đầu tư bài bản của đối tác chiến lược nên sản lượng và năng suất rất cao. Về tiêu thụ sản phẩm, đối tác có nhà máy chế biến do vậy việc bao tiêu sản phẩm rất dễ dàng, không phải loay hoay đi tìm khách hàng như giai đoạn trước khi sắp xếp. Do đó, thu nhập của người lao động được đảm bảo, chế độ đãi ngộ cao và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước kịp thời.
Còn hai doanh nghiệp đã thực hiện phê duyệt phương án chuyển đổi, phương án góp vốn với đối tác, đang thực hiện rà soát xác định lại giá trị tại thời điểm chính thức chuyển đổi để tiến hành góp vốn với đối tác thành lập công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp.
Hiện đơn vị tư vấn đã hoàn thiện chứng thư xác định giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Lục Nam, dự kiến thẩm định phê duyệt trong tháng 8/2019 và chính thức góp vốn thành lập doanh nghiệp trong tháng 9/2019.
Đối với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Mai Sơn có tồn tại, vướng mắc do diện tích rừng trồng kinh tế được giao ít với 780,4 ha, hình thức chủ yếu khoán theo chu kỳ kéo dài, tỷ lệ hưởng sản phẩm của nhà nước thấp do đó dẫn đến thua lỗ.
Với hai đơn vị trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ cố gắng đẩy nhanh việc sắp xếp. Riêng với Công ty TNHH một thành viên Mai Sơn còn tồn tại tranh chấp về đất đai, cũng như có nhiều vi phạm trong giao khoán, thu khoán. UBND tỉnh đã thành lập đoàn Thanh tra toàn diện và chưa có kết luận chính thức. Sau khi có kết luận tỉnh sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền hình thức sắp xếp, chuyển đổi./.