Sắp xếp đơn vị hành chính: Bố trí CBCCVC, xử lý nhân sự dôi dư như thế nào?
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, trong đó, xác định rõ lộ trình và các nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện.
Xây dựng và thông qua Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Một là, tổ chức quán triệt phổ biến, tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền thường xuyên, liên tục cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Hai là, xây dựng và thông qua Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số của từng đơn vị hành chính cấp xã và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng Phương án sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã đảm bảo tiêu chuẩn) để giảm số lượng đơn vị hành chính, tăng quy mô của từng đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.
Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp xem xét, thống nhất Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của địa phương giai đoạn 2023-2025, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (qua Sở Nội vụ tổng hợp).
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố gửi về Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chậm nhất ngày 30/9/2023.
Về xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Sở Nội vụ tổng hợp, xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thống nhất trước ngày 15/10/2023.
Sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổng hợp, hoàn thiện gửi Bộ Nội vụ cho ý kiến về Phương án tổng thể chậm nhất ngày 31/10/2023.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định hoàn thiện Phương án tổng thể báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp.
Sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo sự tiếp nối; xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp địa giới
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định lưu ý, khi xây dựng Phương án sắp xếp phải nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện phương án sắp xếp để bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023-2025 với giai đoạn 2026-2030, tránh trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2026-2030 lại gặp khó khăn, không thể nhập, điều chỉnh với các đơn vị hành chính khác liền kề.
Khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động cần xem xét, đánh giá toàn diện cả quá trình hình thành, phát triển của đơn vị hành chính trước khi sắp xếp để có thể kế thừa, tiếp tục phát huy truyền thống của các địa phương, hạn chế làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Tiến hành rà soát, có giải pháp để điều chỉnh, xử lý dứt điểm các trường hợp đơn vị hành chính có tranh chấp về địa giới hành chính, đơn vị hành chính có địa hình chia cắt, không thuận lợi cho người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; cần lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi đã có của đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành phát triển của đơn vị hành chính.
Xây dựng và thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Về xây dựng và thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, căn cứ Phương án tổng thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp của địa phương và gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp.
Sở Nội vụ tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh.
Về đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với đơn vị hành chính phường hình thành sau sắp xếp, Sở Xây dựng hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường hình thành sau sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Về tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã liên quan Đề án: Trình tự, thủ tục lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018, Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tổng hợp, xây dựng thành 01 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 gửi Bộ Nội vụ thẩm định.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức việc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gửi Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
Đối với việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định nêu rõ: Việc phân loại, đánh giá, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.
Việc bố trí cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã được thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Việc bố trí cán bộ, công chức thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điểm b khoản 7 mục III Kế hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết số 117/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025, tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn cho đến khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải đảm bảo đúng theo quy định. Trường hợp đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính
Về giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư, kế hoạch của tỉnh Bình Định nêu rõ: Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Về xử lý trụ sở, tài sản công, kế hoạch giao Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Trong thời gian 03 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp./.