Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Định dạng cho tương lai

Xã, phường là tế bào cơ bản của tổ chức hành chính và cũng là nơi gần gũi nhất với đời sống thường nhật của người dân Việt Nam.

Từ bao đời nay, hình ảnh làng xã với lũy tre, mái đình, giếng nước không chỉ gắn liền với ký ức văn hóa mà còn là không gian sống, lao động, sinh hoạt và gắn bó cộng đồng.

Trong thể chế hiện đại, xã, phường là nơi triển khai trực tiếp các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân; là cấp quản lý cơ sở trong mọi lĩnh vực: hộ tịch, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội. Vai trò của xã, phường không chỉ là “cánh tay nối dài” của chính quyền cấp trên mà còn là điểm tựa đầu tiên để người dân phản ánh, kiến nghị, tham gia xây dựng chính quyền. Một xã, phường vững mạnh là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của địa phương và quốc gia.

Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, Đảng và Nhà nước ta xác định việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường, đặc khu đồng thời đặt tên mới sao cho phù hợp, không chỉ là công tác kỹ thuật hành chính đơn thuần mà còn là hành động mang ý nghĩa chiến lược, góp phần “định dạng” cho sự phát triển trong tương lai.

Những năm qua, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều xã, phường không đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số đã được sáp nhập, giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách, đồng thời tăng hiệu quả điều hành.

Trước yêu cầu thực tế của cuộc sống và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục “đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính. Trong đó, chủ trương sắp xếp lại xã, phường hiện nay không chỉ là bước đi hành chính, mà là tư duy chiến lược hướng đến xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời chuẩn bị cho một mô hình quản trị địa phương linh hoạt trong thời kỳ chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Trên tinh thần đó của Trung ương, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng xác định việc sắp xếp lại các xã, phường không còn đơn thuần dựa trên tiêu chí dân số và diện tích như trước, mà mở rộng hơn với tiêu chí về hiệu quả quản trị, nhu cầu phát triển đô thị, khả năng kết nối hạ tầng, bản sắc địa phương, và tính chất của các xã, phường hiện có.

Nếu như việc sắp xếp xã, phường là hành động “làm mới” bản đồ hành chính, thì việc đặt tên được xem là hành động “định hình” ký ức và khát vọng của cộng đồng dân cư. Một cái tên không chỉ để gọi theo cách hiểu thông thường mà thông qua đó để nhớ, để tự hào và hướng về sự phát triển lâu dài, bền vững.
Sắp xếp và đặt tên xã, phường không đơn giản là gộp nhỏ thành lớn hay thay biển tên. Đó là một phần của quá trình xây dựng nền hành chính số, hướng tới đô thị thông minh, phát triển bền vững. Một tên gọi đúng, một bộ máy gọn và một sự đồng thuận lớn là ba trụ cột để tạo nên một tương lai hành chính hiệu quả, minh bạch và hiện đại.

Việc đặt lại tên các xã, phường sau khi sáp nhập phải dựa trên nhiều yếu tố: lịch sử, văn hóa, đặc điểm địa lý, truyền thống cách mạng và cả định hướng cho sự phát triển của tương lai. Một tên gọi tốt là tên vừa có tính kế thừa, vừa mang tính khơi gợi và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả cộng đồng dân cư.
Chẳng hạn, khi hai xã, phường có tên gọi cũ không còn phù hợp hoặc trùng lặp, việc chọn một tên mới có ý nghĩa, dễ phát âm, dễ nhận diện sẽ tạo được sự đồng thuận và lòng tự hào trong nhân dân.

Chính vì điều đó mà Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tập trung mọi cố gắng để chọn lựa nhiều phương án khác nhau trên tinh thần cầu thị tham vấn ý kiến nhân dân, các nhà văn hóa, nhà sử học và các địa phương bạn để sáp nhập xã, phường sao cho phù hợp với sự chỉ đạo của Trung ương, đồng bộ với các tỉnh, thành phố và tỉnh Quảng Nam, nhưng lại sát với tình hình thực tế của thành phố; đồng thời lựa chọn tên gọi tiêu biểu, bền vững cho đơn vị hành chính mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thành phố.

Đến ngày 23-4-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường của thành phố Đà Nẵng và thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường là 16 (bao gồm 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu). Đó là những cái tên khá quen thuộc và nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ như Hải Châu, Hòa Cường, Thanh Khê, An Khê, An Hải, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hải Vân, Cẩm Lệ, Hòa Vang, Hòa Xuân, Hòa Tiến, Bà Nà, Hoàng Sa.

Có thể nói rằng, mọi sự thay đổi về mặt hành chính Đảng bộ và chính quyền thành phố đều đặt người dân vào trung tâm, làm cho người dân thấy mình được tôn trọng, được đồng hành trong quá trình chuyển đổi. Dù là đổi tên phường hay sáp nhập xã, phường với nhau điều quan trọng là làm sao để người dân thành phố thấy lợi ích rõ ràng, gắn bó với nơi ở mới không chỉ trên bản đồ hành chính mà điều quan trọng nhất là còn nằm trong trái tim sâu lắng của bao người.

Vì thế, thành phố Đà Nẵng đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân, giải thích cặn kẽ mục đích, ý nghĩa và lộ trình sắp xếp, đặt tên là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững. Chỉ khi có sự đồng thuận của người dân thì việc “định dạng tương lai” thông qua hành chính mới thật sự đi vào cuộc sống.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà từng bước đi hôm nay sẽ vẽ nên hình hài đất nước ngày mai. Vì vậy, nhìn vào việc sắp xếp và đặt tên không chỉ bằng con mắt hành chính, mà bằng tầm nhìn chiến lược, với trách nhiệm trước lịch sử và khát vọng của nhân dân.

Theo LÊ MINH HÙNG (ĐNO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-dinh-dang-cho-tuong-lai-post320607.html