Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Giảm 76 đơn vị, toàn tỉnh sẽ còn 559 đơn vị hành chính cấp xã
Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, sau khi sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã thành 67 xã, phường, thị trấn; thành lập 1 thị trấn mới trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, toàn tỉnh còn 559 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 76 đơn vị), gồm 496 xã, 34 phường và 29 thị trấn.
Thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa, xã Xuân Thắng sẽ sáp nhập vào thị trấn Sao Vàng để mở rộng thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân). Ảnh: Việt Linh
Sau khi sắp xếp, diện tích tự nhiên bình quân mỗi đơn vị tăng lên 19,9km2 (tăng 2,38 km2), dân số bình quân tăng lên 6.365 người (tăng 761 người), các đơn vị hành chính cấp xã mới cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa của UBND tỉnh, sau khi sắp xếp giảm 76 đơn vị hành chính, sẽ tinh gọn, giảm 76 đầu mối đảng ủy, HĐND, UBND và 380 đầu mối đoàn thể chính trị -xã hội; đồng thời giảm 76 chức danh bí thư đảng ủy, 76 chức danh phó bí thư đảng ủy, 76 chức danh chủ tịch HĐND, 76 chức danh phó chủ tịch HĐND, 76 chức danh chủ tịch UBND, 76 chức danh phó chủ tịch UBND, 380 chức danh là trưởng của tổ chức chính trị -xã hội; tinh giản 1.308 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước cho việc xây dựng công sở, mua sắm trang thiết bị, tổ chức bộ máy, tiết kiệm chi thường xuyên... Dự kiến sẽ tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 137 tỷ đồng/năm.
Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những đánh giá tác động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, có phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.
Hiện toàn tỉnh có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, 635 đơn vị hành chính cấp xã (573 xã, 34 phường, 28 thị trấn), trong đó có 2 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 7,40%), 23 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 3,62%) đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số. Còn 25 đơn vị cấp huyện (chiếm 92,60%), 612 đơn vị cấp xã (chiếm 96,38%) chưa đạt một hoặc cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số. 69 đơn vị hành chính cấp xã (62 xã, 7 thị trấn) chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số.
Cùng với việc thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa; Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII cũng đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, viên chức trạm y tế cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến thời điểm này, Thanh Hóa đang là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 37 –NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Năm 2018, thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố, giảm gần 9.500 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 103 tỷ đồng.