Sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Nội: Kiến tạo không gian phát triển Thủ đô

Hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.

Một góc Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một góc Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngay sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường, các chuyên gia, nhà quản lý, người dân bày tỏ phương án sắp xếp được thực hiện đã đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.

Đặc biệt, hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.

Kiến tạo không gian phát triển đồng bộ

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, sông Hồng là mạch nguồn của sự sống, chứng kiến bao đổi thay và phát triển của Thăng Long-Hà Nội và nay là Thủ đô Hà Nội. Các dải đất 2 bên bờ sông Hồng dần hình thành với đặc trưng địa hình, cảnh quan, nguồn lực tài nguyên... có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội to lớn.

Tuy nhiên, những năm qua, do sự manh mún về địa giới hành chính, sự chồng chéo trong quản lý, nhất là địa bàn giáp ranh các phường, dẫn tới những vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự xã hội; đặc biệt hơn là sự hoang hóa về đất đai đã làm lãng phí nguồn lực phát triển Thủ đô.

Điển hình như tại các bãi đất ven sông Hồng nằm trên địa bàn các phường như: Ngọc Thụy (quận Long Biên); Nhật Tân (quận Tây Hồ)..., tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường còn tồn tại nhiều hạn chế.

 Nhân dân cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhân dân cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Việc hợp nhất các khu vực dân cư, diện tích tự nhiên dọc theo trục sông Hồng thành phường Hồng Hà (phường mới) theo đúng chủ trương vừa được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, đã hiện thực hóa khát vọng kiến tạo không gian phát triển mới cho khu vực này. Rõ ràng, sông Hồng không còn là ranh giới chia cắt, mà trở thành "sợi chỉ đỏ" kết nối, trung tâm của một không gian đô thị mới, năng động và giàu tiềm năng.

Cụ thể, phường Hồng Hà được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên (diện tích phần mặt nước và bãi giữa sông Hồng) của các phường: Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên). Phường Hồng Hà (mới) có diện tích tự nhiên hơn 15km2, quy mô dân số gần 123.300 người.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết: "Trong quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Hồng, chúng ta có hai trục giao thông rất quan trọng. Tôi nghĩ sự quản lý của hệ thống đô thị hay quản lý đô thị của phường là một trong những cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể quản lý, phát triển và đầu tư một cách đồng bộ."

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho rằng sắp xếp đơn vị hành chính không đơn giản là về địa giới hành chính mà quan trọng là tạo ra không gian mới, sức bật mới cho phát triển; đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại hiện nay trong thực tế.

 Một góc quận Tây Hồ. (Nguồn: TTXVN)

Một góc quận Tây Hồ. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều người dân ở các phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cùng bày tỏ niềm vui khi phường Hồng Hà được thành lập sẽ không chỉ mở rộng không gian phát triển về văn hóa mà còn về kinh tế, xã hội.

Anh Đoàn Kiên Định, phường Phúc Xá (quận Long Biên) người trồng hoa dưới chân cầu Long Biên mong muốn sau khi sắp xếp thành phường mới những sắc hoa sẽ trải dài hai bên bờ sông, thay vì chỉ là một phần diện tích rất nhỏ như hiện nay; đồng thời tạo không gian phát triển mới, khai thác được giá trị cảnh quan của khu vực sông Hồng và dưới chân cầu Long Biên lịch sử.

Còn anh Nguyễn Thế Anh, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho rằng việc thành lập phường Hồng Hà là một minh chứng sống động cho tư duy quy hoạch đột phá, đặt yếu tố địa lý tự nhiên, trục giao thông huyết mạch làm nền tảng cho sự phát triển.

Theo phương án được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, trung tâm hành chính của phường Hồng Hà có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, nhất là kết nối của hệ thống giao thông giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư.

Ranh giới phường Hồng Hà với các phường, xã giáp ranh theo trục đường, phố lớn và sông Hồng, nên dễ nhận biết ngoài thực địa và thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Đảm bảo kế thừa, tầm nhìn dài hạn

Trên các nguyên tắc và định hướng sắp xếp rõ ràng, khoa học, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố với 126 xã, phường.

Các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập đã đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đảm bảo mục tiêu phù hợp với khả năng quản lý, quản trị và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn mới...

Qua nắm bắt dư luận nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định Hà Nội đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, người dân đã thực sự được đặt vào vị trí chủ thể. Các cán bộ trong hệ thống chính trị đều vào cuộc trách nhiệm.

Thành phố cũng dự báo được các yếu tố tác động và có những giải pháp chủ động đi trước một bước, tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đáng chú ý, tên gọi của các xã, phường mới được lấy theo địa danh văn hóa, lịch sử, giữ lại tên của các quận, huyện là cách làm bài bản, khoa học, dân chủ, hợp lòng dân.

 Một góc quận Bắc Từ Liêm. (Nguồn: TTXVN)

Một góc quận Bắc Từ Liêm. (Nguồn: TTXVN)

Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) Nguyễn Văn An chia sẻ Đông Ngạc có tên nôm là làng Vẽ, một làng khoa bảng nổi tiếng ở Hà Nội. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Đông Ngạc (trên cơ sở nhập diện tích tự nhiên và dân số toàn phần phường Đức Thắng và phần lớn các phường Đông Ngạc, Cổ Nhuế, một phần các phường Xuân Đỉnh, Thụy Phương, Minh Khai) bảo đảm yếu tố truyền thống văn hóa lịch sử; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Còn các chuyên gia cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố năm 2025 được thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô.

Đơn cử như, không gian có ý nghĩa chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa quan trọng như khu vực Ba Đình, Cổ Loa, Sơn Tây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Hoàn Kiếm... đã được bảo tồn trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở của Hà Nội.

Hay khu vực xung quanh hồ Tây trước đây được quản lý bởi nhiều phường, nhưng sau sắp xếp, sẽ nằm trọn trong địa giới đơn vị hành chính phường Tây Hồ. Khu vực phố cổ, nơi lưu giữ dấu ấn hình thành Thăng Long-Hà Nội cùng được sắp xếp nằm trọn trong phường Hoàn Kiếm, bảo đảm sự thống nhất.

Ngoài ra, không gian các làng nghề truyền thống tiêu biểu như Bát Tràng, Vạn Phúc được tính toán chu toàn để bảo đảm nhất quán, không bị chia cắt, ảnh hưởng đến công tác quản lý, xây dựng và phát triển. Do đó, phương án sắp xếp hành chính lần này là cơ hội chuyển mình cho các địa phương, vừa khắc phục hạn chế, vừa mở ra cơ hội phát triển mới.

 Đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cũng theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, kết quả thực hiện các bước trong quy trình thực hiện cho thấy phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đồng tình, thống nhất rất cao của nhân dân Thủ đô.

Phương án sắp xếp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố đạt 2.010.914 phiếu đồng ý, ý kiến cử tri hộ gia đình về tên gọi dự kiến đơn vị sau sắp xếp đạt 1.987.829 phiếu đồng ý, tương ứng 97,36% và 96,28% số phiếu phát ra.

Có thể khẳng định kết quả trên thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-o-ha-noi-kien-tao-khong-gian-phat-trien-thu-do-post1037098.vnp