Sắp xếp lại bộ máy thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư

Nhằm tránh sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị và tăng hiệu quả thực hiện công việc, Đồng Nai sẽ thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm kê phục vụ công tác thu hồi đất Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: P.Tùng

Cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm kê phục vụ công tác thu hồi đất Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: P.Tùng

Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng phương án thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc UBND tỉnh để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư các dự án cũng như quản lý quỹ đất công trên địa bàn tỉnh.

Chấm dứt mô hình thí điểm

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Chính phủ đã giao nhiều dự án bồi thường, GPMB các tuyến đường cao tốc, đường vành đai trên địa bàn cho tỉnh thực hiện. Các dự án GPMB theo quy định của Luật Đầu tư công được tách thành dự án độc lập, khối lượng công việc từ đó tăng lên rất lớn và cần phải có một đơn vị chuyên nghiệp để thực hiện.

Với yêu cầu thực tiễn đó, căn cứ các quy định pháp luật và chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 9-2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về thí điểm thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, GPMB và tái định cư tỉnh (Ban Quản lý dự án bồi thường). Đơn vị này được thành lập thí điểm để làm chủ đầu tư các dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư được tách ra từ các dự án nhóm A về kết cấu hạ tầng, xã hội và các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Tuy nhiên, qua 2 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý dự án bồi thường đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong dự thảo báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án bồi thường và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh theo quy định Luật Đất đai, Sở Nội vụ cho biết, việc thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường được thực hiện theo các quy định pháp luật. Tại thời điểm thành lập, liên quan đến chức năng thực hiện nhiệm vụ lại không quy định đây là tổ chức phát triển quỹ đất. Do đó, việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án bồi thường thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện công tác bồi thường được UBND tỉnh giao cụ thể theo từng dự án, quyết định riêng biệt dẫn đến việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp, xác định trách nhiệm với các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, sau 2 năm hoạt động thí điểm, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý dự án bồi thường còn nhiều thiếu hụt.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị hoàn thiện báo cáo Đề án mô hình tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo, thuyết trình đề án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Thanh Tùng cho biết, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý dự án bồi thường gồm ban giám đốc và 5 phòng chuyên môn. Trong đó dự kiến số lượng lãnh đạo gồm 18 người với 6 cấp trưởng và 12 cấp phó. Thế nhưng, hiện nhân sự lãnh đạo chỉ có 4 người, gồm 2 phó giám đốc, 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng. Các nhân sự còn lại được tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị khác nên chưa đảm bảo các tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn, năng lực.

“Việc thiếu nhân sự lãnh đạo, người đứng đầu đã ảnh hưởng lớn đến công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của Trung ương, tỉnh với khối lượng công việc lớn, phức tạp nhưng đội ngũ nhân sự không đồng bộ cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự đạt hiệu quả, còn tồn tại hạn chế, chậm tiến độ đề ra” - ông Tùng cho biết.

Sớm hoàn thiện Đề án mô hình tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh

Giữa tháng 8-2024, tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các sở, ngành để nghe góp ý đối với dự thảo báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án bồi thường và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh theo quy định Luật Đất đai năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, Chính phủ quy định việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc UBND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư và một số nhiệm vụ khác. Do đó, việc tiếp tục giữ mô hình Ban Quản lý dự án bồi thường sẽ trùng lặp chức năng, nhiệm vụ với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh được thành lập mới.

Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan chức năng dự thảo đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh phù hợp quy định hiện hành và yêu cầu thực tiễn của địa phương. Đồng thời, lập báo cáo Đề án mô hình tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.

Theo dự thảo đề xuất của Sở Nội vụ, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc UBND tỉnh sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và Ban Quản lý dự án bồi thường. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc UBND tỉnh, cơ cấu tổ chức dự kiến có 5 phòng chuyên môn. Thẩm quyền quyết định do UBND tỉnh quyết định thành lập. Đồng thời, giữ nguyên mô hình trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện và kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Lộ trình thực hiện trong quý III-2024.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, đây là một trung tâm được thành lập mới chứ không phải thực hiện sáp nhập 2 đơn vị. Trong đó, nhân sự trung tâm thành lập mới cần tận dụng nguồn lực con người có sẵn để sớm thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB và quản lý, khai thác quỹ đất công của tỉnh.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/sap-xep-lai-bo-may-thuc-hien-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-va-tai-dinh-cu-7207b60/