'Sắp xếp lại giang sơn' - sức mạnh đồng thuận vì tương lai Việt Nam hùng cường: Bước ngoặt lịch sử và khí thế đại đoàn kết toàn dân tộc
Hôm nay, ngày 1/7/2025, cả nước ta chính thức chuyển mình sang một kỷ nguyên quản trị mới: Bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đồng loạt vận hành tại 34 tỉnh, thành phố. Đây là thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc, một dấu mốc lịch sử - 'sắp xếp lại giang sơn' để kiến tạo tương lai. Chúng ta đang chứng kiến bằng niềm tự hào sâu sắc về một quyết định cải cách hành chính có quy mô lớn nhất kể từ công cuộc Đổi mới năm 1986 đến nay.
“Sắp xếp lại giang sơn” - tầm nhìn mới cho phát triển
Việc sáp nhập hàng chục tỉnh, thành và chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp không đơn thuần thu gọn bộ máy, mà là một bước đi chiến lược nhằm mở ra những “không gian phát triển mới” cho đất nước, cho dân tộc, đặt nền tảng thể chế để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng ra mắt Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 30/6. Ảnh: Hoa Lê
Những ngày này, không khí hân hoan, phấn khởi đang lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Từ trong nước đến ngoài nước, hơn trăm triệu đồng bào ta đều chung một nhịp đập hướng về sự kiện lịch sử trọng đại này. Điều đặc biệt, đó là công cuộc “sắp xếp lại giang sơn” của chúng ta nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm. “giữ gìn đoàn kết chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu - là điều kiện tiên quyết để mọi công việc cải cách khác diễn ra thuận lợi”. Điều đó cũng cho thấy, trong cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy này, “ý Đảng đã gặp lòng Dân”, cùng hướng đến mục tiêu cao nhất là sự phát triển phồn vinh, giàu mạnh của đất nước và hạnh phúc lâu dài của Nhân dân.
Vì lẽ đó, thông điệp “sắp xếp lại giang sơn” mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính tại TP. Hồ Chí Minh sáng qua, 30/6, đã cho thấy tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của quyết định lần này. Đây không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, cơ học, mà chính là bước tái định hình không gian phát triển quốc gia một cách hiệu quả và bền vững. Bước đi chiến lược này nhằm khắc phục tình trạng phát triển manh mún, cục bộ trước đây khi “không gian phát triển bị cắt vụn theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập; đầu tư dàn trải chưa hình thành rõ các vùng động lực dẫn dắt tăng trưởng”.
Thực tiễn cho thấy, sau gần 40 năm Đổi mới, mô hình cũ đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi một tư duy mới mang tính chiến lược, tổng thể trên phạm vi cả nước. Và, cuộc “sắp xếp lại giang sơn” lần này chính là lời giải, một cuộc cách mạng về tổ chức để khai thông những “điểm nghẽn” phát triển, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá cho đất nước.
Với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta đang hình thành nên những cực tăng trưởng mở rộng có quy mô đủ lớn để phát huy được lợi thế bổ trợ giữa các vùng. Những cặp tỉnh được hợp nhất lần này, như TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu thành TP Hồ Chí Minh mới; Bắc Ninh với Bắc Giang thành tỉnh Bắc Ninh mới; Thái Bình với Hưng Yên thành tỉnh Hưng Yên mới; TP. Hải Phòng với Hải Dương thành TP Hải Phòng mới… được kỳ vọng sẽ tạo ra vùng liên kết kinh tế mạnh, xóa bỏ rào cản hành chính và cạnh tranh manh mún trước đây.
Vì thế, việc hợp nhất này không phải sự “cộng gộp đơn thuần” về diện tích hay dân số, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, đơn cử với TP. Hồ Chí Minh, đó là “để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới”, như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cũng nhìn từ TP. Hồ Chí Minh sau khi được hợp nhất và mở rộng, giờ đây đã trở thành một đô thị hơn 14 triệu dân với nguồn lực, tiềm năng vượt trội, sẵn sàng vươn mình để trở thành “điểm hẹn” của châu Á và thế giới. Việc hợp nhất ba địa phương này là kết quả của tầm nhìn dài hạn, tạo nên không gian phát triển mới có tính đồng bộ, bền vững, khoa học, thể hiện rõ tư duy chiến lược trong đổi mới mô hình tổ chức chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn, gần dân hơn và hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và kiểm tra thực tế vận hành tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An, TP. Hải Phòng ngày 30/6/2025. Ảnh: VGP
Tương tự, ở phía Bắc, quyết định sáp nhập tỉnh Hải Dương vào TP. Hải Phòng đã hình thành nên một thực thể hành chính mới với vị thế và nguồn lực “mạnh chưa từng có”. Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là quyết định “mang tầm chiến lược và ý nghĩa lịch sử”, góp phần hình thành nên “một cực tăng trưởng mới của vùng đồng bằng sông Hồng, tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, nguồn nhân lực và các lợi thế của hai địa phương”. Sau hợp nhất, sáp nhập, TP. Hải Phòng mới đang vươn mình hướng tới tầm vóc “một đô thị thông minh, hiệu quả, đa chức năng”, “một trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics, thương mại, giáo dục, khoa học, công nghệ hàng đầu”. Sự kết hợp giữa một thành phố vốn sôi nổi, dẫn đầu về công nghiệp và một tỉnh Hải Dương giàu truyền thống văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn sẽ là “một cộng một lớn hơn 2”, tạo ra sức mạnh cộng hưởng để dẫn dắt cả vùng phát triển bứt phá đi lên. Phát biểu tại Lễ công bố sáng 30/6 về thành lập TP. Hải Phòng mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tinh thần chủ động, bài bản của hai địa phương trong tổ chức sáp nhập bộ máy, sắp xếp nhân sự và ổn định tổ chức mới một cách nhanh chóng. Điều này cho thấy, với sự chuẩn bị nghiêm túc và quyết tâm chính trị cao, các địa phương hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội sáp nhập để “biến tiềm năng thành động lực, biến thách thức thành sức bật”.
Nhìn rộng ra cả nước, có thể thấy, việc hình thành 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) mang ý nghĩa tái cơ cấu toàn diện hệ thống chính quyền địa phương. Thay vì 63 tỉnh thành phân mảnh, nay Việt Nam có những tỉnh thành với quy mô lớn hơn, đủ tầm vóc kết nối liên vùng, liên khu vực và cạnh tranh trên “bản đồ” kinh tế khu vực, quốc tế. Trong tiến trình này, chúng ta khuyến khích sáp nhập tỉnh miền núi với đồng bằng, vùng không có biển với vùng duyên hải, để các địa phương có thể bổ sung thế mạnh cho nhau và cùng phát triển hài hòa. Đây chính là minh chứng sinh động của tư duy quy hoạch “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” ở tầm quốc gia: Phát huy lợi thế của từng vùng, đồng thời hỗ trợ các địa phương khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các miền.
Thực tế, các tỉnh thành sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, nguồn lực tập trung hơn để thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cải thiện đời sống nhân dân. Bộ máy mới hợp nhất cũng giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất đai, nguồn nước, ngân sách…), tránh lãng phí do trùng lặp chức năng trước đây.
Rõ ràng, cuộc “sắp xếp lại giang sơn” lần này đã khẳng định rõ ràng nguyên tắc luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên những tính toán cục bộ, bảo đảm sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, để toàn dân cùng chung sức viết tiếp trang sử mới cho đất nước.
Tinh gọn bộ máy, chính quyền gần dân và vì dân
Cùng với tái sắp xếp lại địa giới hành chính, việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (Tỉnh và Xã/phường) đánh dấu một bước cải cách sâu rộng trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Sau hơn 8 thập niên vận hành mô hình 3 cấp (từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 đến nay), sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, chặt chẽ, khẩn trương, từ hôm nay, 1/7, Việt Nam chính thức chuyển sang hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp - một sự thay đổi mang tính bước ngoặt về tư duy quản trị. Việc kết thúc hoạt động cấp trung gian (huyện, quận) được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân, giảm bớt các tầng nấc hành chính không cần thiết - vốn có thể là nguyên nhân làm chậm trễ việc phản hồi, thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công.

Người dân TP. Đà Nẵng làm thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: VGP
Và việc chuyển đổi này, như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là không chỉ để “tinh giản bộ máy”, mà còn để “tăng tốc độ phản ứng chính sách”, nâng cao tính minh bạch, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vốn đôi khi xảy ra trong hệ thống cũ. Khi không còn độ trễ do trung gian, các quyết sách từ Trung ương và tỉnh sẽ đến thẳng cơ sở một cách nhanh nhất và trực tiếp nhất; đồng thời, những tâm tư nguyện vọng và phản ánh của người dân từ cơ sở cũng vì thế được chuyển kịp thời hơn tới cấp có thẩm quyền quyết định, hoạch định chính sách. Một chính quyền gần dân hơn cũng đồng nghĩa với hiệu quả quản trị sẽ cao hơn, bởi người dân được lắng nghe, được phục vụ nhanh chóng và sát thực hơn.
Đi đôi với việc loại bỏ cấp trung gian, Nhà nước đồng thời có điều kiện để tập trung nguồn lực, cả nhân lực và tài chính, cho cấp cơ sở nhằm phục vụ Nhân dân tốt nhất. Những cán bộ, công chức có trình độ, năng lực cao sẽ được bố trí tại cấp tỉnh và xã/phường, thay vì dàn trải qua nhiều tầng nấc. Cấp huyện trước đây, vốn tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nghẽn” quan liêu hoặc làm kéo dài thời gian xử lý, nay được thay bằng các trung tâm điều phối hiện đại, kết nối dữ liệu, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành. Thay cho “con dấu” và “giấy tờ” hành chính rườm rà, chính quyền hai cấp sẽ ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử nhằm tăng tốc xử lý thủ tục, minh bạch hóa quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ. Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng các giao dịch hành chính sẽ được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Đây chính là mục tiêu xây dựng chính quyền số, quản trị số, đô thị thông minh mà cuộc cách mạng lần này hướng tới, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phường Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đưa robot vào phục vụ hành chính trong ngày đầu tiên chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, ngày 1/7/2025. Ảnh: VGP
Quyết tâm cải cách cũng được khẳng định dứt khoát trong phát biểu của Người đứng đầu Đảng ta, “quan trọng hơn hết, Nhà nước, chính quyền phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động cụ thể, thực chất, đến tận người dân, doanh nghiệp”. Quan điểm này đã cho thấy rõ trọng tâm của cải cách bộ máy chính là hướng về người dân, lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo hiệu quả. Một nền hành chính vận hành vì dân sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc của xã hội, của người dân với bộ máy chính quyền.