Sắp xếp lại nhiều trụ sở bỏ hoang trên địa bàn TP Thủ Đức, tránh lãng phí
TP Thủ Đức đang chờ UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại các địa chỉ nhà đất công để tránh gây lãng phí.
Chiều 13/7, TP.HCM tổ chức họp báo thường kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Trả lời báo chí liên quan đến đến tình trạng nhiều tài sản công tại TP Thủ Đức bỏ hoang gây lãng phí, đại diện TP Thủ Đức trả lời: sau khi sát nhập 3 quận, UBND TP Thủ Đức đã có văn bản đề xuất phương án sắp xếp lại theo quy định.
Đã có phương án sử dụng sau sắp xếp
Cụ thể, trụ sở UBND quận 9 cũ (số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) có phương án đề xuất bố trí làm trụ sở Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Thủ Đức, trụ sở Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức cũ có phương án bố trí làm trụ sở Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức.
Đối với Trụ sở Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận Thủ Đức cũ có phương án bố trí làm trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Thủ Đức.
Phía thành phố Thủ Đức giải thích thêm, các nhà, đất trên hiện nay đang để trống là đang chờ UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp.
Trước mắt, một số trụ sở vẫn đang được tận dụng cho các cơ quan đoàn thể hoạt động. Sắp tới, TP Thủ Đức tiếp tục kiến nghị UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các phương án sắp xếp lại các trụ sở hành chính trên.
Thi lớp 10 có nặng nề hơn thi đại học?
Vấn đề trên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời, kỳ thi tuyển sinh 10 cũng là một đợt khảo nghiệm để học sinh đánh giá lại năng lực của mình, nhằm lựa chọn hướng đi phù hợp hơn.
TP.HCM hiện có hơn 55.000 chỗ học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề, cao đẳng nghề để học sinh lựa chọn, ngoài khối trường công lập.
Ông Minh cho biết, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS năm nay khoảng 113.000 em, có khoảng 96.000 học sinh dự kỳ thi tuyển sinh, tức là hơn 17.000 học sinh đã chọn hướng đi khác. Đây cũng là phương pháp hiệu quả của khâu hướng nghiệp cho học sinh từ cấp THCS.
Trả lời câu hỏi có tình trạng thiếu phòng học thời gian qua, liệu năm học mới khi TP.HCM tăng 35.055 học sinh, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2023-2024 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn thành phố có đủ chỗ học. Đảm bảo tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sắp tới đầu tháng 9, có 27 dự án với 441 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Cuối năm 2023, sẽ bổ sung thêm 21 dự án và 231 phòng học.