Sắp xếp, tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh
Ngày 23/4, Sở GTVT ban hành Công văn số 870/SGTVT-PCAT về việc sắp xếp, tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tế, Sở GTVT triển khai một số nội dung sắp xếp, tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, cụ thể như sau:
- Lĩnh vực đường bộ: Vận tải hành khách nội tỉnh: Các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; xe buýt nội tỉnh; xe taxi được phép hoạt động. Vận tải hành khách liên tỉnh được phép hoạt động, cụ thể: Xe tuyến cố định, xe buýt: Cho phép hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 01 chuyến/tuyến). Xe hợp đồng, xe du lịch: chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 01 xe/đơn vị kinh doanh vận tải). Các phương tiện hoạt động phải đảm bảo các giải pháp an toàn phòng chống dịch theo khuyến cáo các ngành chức năng và hướng dẫn về các điều kiện y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện giao thông (theo phụ lục gửi kèm).
- Lĩnh vực đường thủy nội địa: Được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các giải pháp an toàn phòng, chống dịch theo khuyến cáo các ngành chức năng và hướng dẫn về các điều kiện y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện giao thông.
Sở GTVT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị quản lý bến xe khách, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh: Khẩn trương triển khai nội dung các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh, Sở GTVT và các văn bản khác có liên quan đến các đơn vị vận tải biết, thực hiện. Chủ động liên hệ với bến xe ngoài tỉnh để sắp xếp, bố trí và theo dõi biểu đồ khai thác vận tải hành khách liên tỉnh của các đơn vị vận tải tại bến. Giao phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái: Bố trí cán bộ trực cập nhật dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng chỉ đạo về việc giảm tần suất hoạt động vận tải. Giao Thanh tra Sở: Phối hợp với các lực lượng chức năng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Thời gian thực hiện: Từ ngày 23/4/2020 đến khi có hướng dẫn mới.
Hướng dẫn về các điều kiện y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện giao thông
Các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu:
- Trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải.
- Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện (không quá 50% số ghế và cách 01 ghế) hoặc đảm bảo cách nhau 1m.
- Yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện, người phục vụ và hành khách đi trên phương tiện phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt chuyến đi.
- Yêu cầu hành khách trước khi lên phương tiện: Khai báo y tế điện tử (hoặc khai báo y tế giấy). Kiểm tra thân nhiệt. Sát khuẩn tay.
- Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi, không khạc nhổ bừa bãi.
- Khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện (mở cửa kính đối với taxi, xe khách...).
- Thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế.
- Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.