Sắp xử phúc thẩm nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An: Bác sĩ Liêm kêu oan
Theo dự kiến, ngày 25/6, TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ xét xử phúc thẩm đối với ông Lê Thanh Liêm (nguyên GĐ Sở Y tế Long An) về tội 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng'. Trước phiên xử, ông Liêm tiếp tục kêu oan, đề nghị được tuyên không phạm tội.
Bị buộc tội vì hàng hóa thay đổi về xuất xứ
Năm 2014 Sở Y tế Long An thực hiện gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tòa nhà cơ quan. DN trúng thầu là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á. Giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói.
Tháng 7/2014, nhà thầu nhập thiết bị về thi công thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký, một số thiết bị thay đổi xuất xứ từ Nhật Bản sang Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... Sau khi được báo cáo, GĐ Sở Lê Thanh Liêm chỉ đạo cho dừng thi công để kiểm tra lại.
Tập đoàn Sony sau đó có văn bản khẳng định đảm bảo hàng hóa cung cấp đúng theo tiêu chuẩn chất lượng chính hãng Sony và hưởng các chế độ bảo hành theo đúng tiêu chuẩn… Sở Y tế ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu điều chỉnh xuất xứ một số thiết bị Sony trong gói thầu từ Nhật Bản, Mỹ; sang Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Giữa tháng 9/2014, hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng, giá trị 1,92 tỷ. Cần lưu ý, mãi 5 năm sau, ngày 18/9/2019, UBND Long An mới có Quyết định 3411/QĐ-UBND phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án này.
Cuối năm 2017, CQĐT Công an tỉnh khởi tố vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với ông Liêm.
Ông Liêm liên tục kêu oan, cho rằng những cáo buộc của CQĐT là không có căn cứ. Với tư cách là chủ đầu tư gói thầu, ông đã làm hết trách nhiệm khi thực hiện ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu khi có sự thay đổi về xuất xứ hàng hóa (không thay đổi về hãng sản xuất); số tiền bị cáo buộc thất thoát ngân sách là số tiền thanh toán tạm ứng theo quy định pháp luật và sau khi có quyết định quyết toán đã thu hồi theo đúng luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách và các Nghị định, thông tư liên quan.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm vào tháng 11/2020, tuyên phạt ông Liêm 3 năm tù.
Có vô tư khách quan hay không khi một cơ quan 4 lần thực hiện giám định?
Trong vụ án này có 5 lần giám định, trong đó 4 lần được thực hiện tại Sở Tài chính, một lần được thực hiện tại Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của CQĐT TP Tân An.
Lần thứ nhất, KLGĐ 803/KLGĐ-STC ngày 21/3/2017 của Sở Tài chính. Theo KL này thì chưa có thiệt hại xảy ra vì nêu rõ “nếu không được thực hiện thanh tra thì sẽ gây ra thiệt hại cho ngân sách”. Như vậy, kết luận này cho thấy chưa đủ cấu thành tội danh “cố ý làm trái…”.
KL này viện dẫn thiếu nội dung, áp dụng thiếu quy định pháp luật. Sở Tài chính giám định là trái luật vì việc “thanh quyết toán” thuộc giám định trong lĩnh vực xây dựng.
KLGĐ lần thứ hai là KLGĐ bổ sung 2062/KLGĐ-STC ngày 14/8/2017 của Sở Tài chính.
KL này cũng viện dẫn thiếu quy định pháp luật. Nghiêm trọng hơn, đến thời điểm có KL này, UBND tỉnh Long An vẫn chưa ban hành Quyết định quyết toán vốn đầu tư. Chưa quyết toán thì lấy cơ sở nào mà Sở Tài chính nói kết luận “Chênh lệch giữa giá trị quyết toán cao hơn so với thực tế… đã làm thất thoát ngân sách nhà nước”.?
Khi ký hợp đồng phụ lục thay đổi xuất xứ hàng hóa (không thay đổi về hàng sản xuất), ông Liêm có yêu cầu nhà thầu cung cấp một hợp đồng của công trình khác, 2 bảng báo giá khác nhau, có thư cam kết chất lượng và nêu rõ lý do thay đổi xuất xứ hàng hóa của hãng Sony. Nhưng trong KL, Sở Tài chính lại nói “chủ đầu tư không tham khảo giá”.
Hợp đồng, 2 bảng báo giá mà nhà thầu cung cấp là không có thật nhưng CQĐT không xử lý là bỏ lọt tội phạm.
KLGĐ lần thứ 3 của hội đồng định giá trong tố tụng TP Tân An và KLGĐ bổ sung của Sở Tài chính được ban hành thì nhà thầu đã trả lại số tiền thanh toán tạm ứng dư thừa theo đúng Quyết định quyết toán vốn đầu tư của UBND tỉnh Long An. Nghĩa là không có thiệt hại xảy ra.
VKS sử dụng 4 KLGĐ nêu trên để ban hành cáo trạng truy tố ông Liêm. Tuy nhiên, trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 13/8/2020, VKS bất ngờ xin rút lại hồ sơ truy tố. Sau đó, ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu giám định lại.
Mặc dù, Sở Tài chính đã ban hành tới 3 KLGĐ và liên tục bị ông Liêm khiếu nại, tố cáo sai phạm, giám định không đúng thẩm quyền. Đáng lý ra, CQĐT Công an tỉnh Long An phải trưng cầu giám định ở một cơ quan cao hơn để khách quan, nhưng họ vẫn tiếp tục trưng cầu giám định tại Sở Tài chính.
Ngày 25/9/2020, Sở Tài chính có KLGĐ 4213/KLGĐ-STC, Sở Y tế cho nhà thầu thay đổi xuất xứ hàng hóa nhưng không điều chỉnh đơn giá là không thực hiện đúng quy định về quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Sở Y tế đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng với số tiền 1,92 tỷ cho nhà thầu, đã thanh lý hợp đồng và đã được quyết toán chi vào niên độ ngân sách nhà nước 2014. Chênh lệch giá trị giữa tổng tài sản đã nghiệm thu thanh toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành của Sở Y tế thanh toán cho nhà thầu là 911 triệu.
Chưa bàn đến nội dung trong KLGĐ 4213/KLGĐ-STC của Sở Tài chính Long An, chỉ xét về hình thức, thì các bản KLGĐ của đơn vị này trong vụ án đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vi phạm nghiêm trọng Luật Giám định tư pháp (GĐTP).
Trong vụ án này, Sở Tài chính Long An từng nhiều lần ra kết luận giám định vi phạm nghiêm trọng Luật GĐTP. Theo Điều 34 Luật này, như vậy có căn cứ rõ ràng để cho rằng Sở Tài chính Long An không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định lại, nên không được thực hiện giám định. Thế nhưng CQĐT Công an tỉnh vẫn trưng cầu, Sở Tài chính vẫn “vô tư” tiếp tục giám định, là “sai phạm chồng sai phạm”.
Từ đó, VKS ra cáo trạng mới, truy tố ông Liêm.
Vi phạm nghiêm trọng tố tụng?
Theo ông Liêm, việc CQĐT và VKS ra cáo trạng mới, trong đó chỉ viện dẫn KLGĐ 4213, những KLGĐ trước đây không xuất hiện mà không có giải thích, viện dẫn pháp luật; là cơ quan tố tụng đang cố tình hợp thức hóa những vi phạm trong quá trình giám định đang bị khiếu nại tố cáo.
“Nếu chỉ sử dụng KLGĐ 4213 để ra cáo trạng thì CQĐT căn cứ vào đâu để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tội danh này, nhất định phải có thiệt hại thì mới khởi tố được. Thiệt hại bao nhiêu, ra sao phải căn cứ vào KLGĐ. Nhưng chưa có KLGĐ thì làm sao khởi tố bị can. Từ cái sai này, họ dẫn đến cái sai khác” ông Liêm nói.
Về thời gian thụ lý tin báo tố giác tội phạm, theo điều 147 BLTTHS thì chỉ có 20 ngày, được gia hạn tối đa 4 tháng nhưng, CQĐT lại thực hiện trong 1 năm.
Ngoài ra, ông Liêm còn cho rằng: KLGĐ 4213 chỉ xác định về giá của thiết bị. Như thế chỉ mới trưng cầu giám định một phần gói thầu. Trong khi gói thầu này là cung cấp, lắp đặt bao gồm nhiều chi phí khác nhau như giá thiết bị, lắp đặt, phí bảo hành, chuyển giao… và lợi nhuận của nhà thầu. Dùng KLGĐ một phần gói thầu để buộc tội là không toàn diện, vô căn cứ.
Ông Liêm kháng cáo kêu oan và mong muốn cấp phúc thẩm xem xét hồ sơ, đánh giá khách quan, tuyên ông không phạm tội.