Sắp xử sơ thẩm vụ Amata Biên Hòa bị kiện do tranh chấp hợp đồng thuê tài sản
Theo dự kiến, ngày 29/11 tới đây sẽ diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng thuê tài sản giữa nguyên đơn là Công ty Tấn Đạt Phát và bị đơn là Amata Biên Hòa.
Ngày 15/11 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 349/2019/QĐST-KDTM, quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 79/2019/TLST-KDTM ngày 2/8/2019, về tranh chấp hợp đồng thuê tài sản giữa nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn ô tô Tấn Đạt Phát (Công ty Tấn Đạt Phát) và bị đơn là Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa (Amata Biên Hòa).
Sỡ dĩ TAND TP.Biên Hòa quyết định tạm hoãn phiên tòa nói trên là do: “Xét thấy bị đơn là Amata Biên Hòa; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất (vào ngày 15/11 – PV) không có lý do”.
Ngày 15/11 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 349/2019/QĐST-KDTM.
Theo đó, trong quyết định này, TAND TP.Biên Hòa cũng đã quyết định mở lại phiên tòa kinh doanh thương mại trên vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 29/11 tới đây, tại trụ sở Tòa án này.
Liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng thuê tài sản giữa Công ty Tấn Đạt Phát và Amata Biên Hòa, trước đó, như Báo Nhà báo & Công luận đã thông tin, cho rằng Amata Biên Hòa chưa làm tròn trách nhiệm trong việc thực hiện thủ tục xin cấp GCNQSD đối với phần đất mà công ty này đã cho thuê, khiến công ty mình gặp khó khăn do không thể dùng GCN thế chấp ngân hàng để vay vốn, Công ty Tấn Đạt Phát đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, cũng như khởi kiện Amata Biên Hòa ra tòa án.
Cụ thể, ông Trần Tấn Phát – Giám đốc Công ty Tấn Đạt Phát cho biết, vào ngày 07/10/2009, doanh nghiệp ông cùng Công ty Cổ phần Amata Việt Nam (nay là Amata Biên Hòa) ký Hợp đồng giữ chỗ để thuê lại 8.420m2 đất có hạ tầng trong khu thương mại tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Amata làm chủ đầu tư.
Đến ngày 29/10/2009, hai bên tiếp tục ký Hợp đồng thuê đất số ACC/TTP001LLA 1009, với tổng số tiền gồm: phí giữ chỗ, phí hỗ trợ đầu tư và phí sử dụng hạ tầng cho toàn thời hạn (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 92 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Tấn Đạt Phát có nghĩa vụ trả tiền một lần cho Amata Biên Hòa đối với số tiền thuê đất trong toàn thời hạn thuê là 50 năm.
Sau khi Công ty Tấn Đạt Phát vào đầu tư ở khu đất đã thuê của Amata Biên Hòa, đơn vị này đã được Sở Xây dựng Đồng Nai cấp giấy phép xây dựng và đến ngày 11/10/2011 thì Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG788168 cho Công ty Tấn Đạt Phát (thời điểm đó công ty này còn dùng tên gọi cũ là Công ty TNHH Ô tô Tuyết Tấn Phát).
Ông Trần Tấn Phát, Giám đốc Công ty Tấn Đạt Phạt cho biết, công ty ông gặp khó khăn đủ điều sau khi đầu tư vào khu đất thuê của Amata Biên Hòa khoảng 200 tỷ đồng.
Hoàn tất thủ tục, Công ty Tấn Đạt Phát đã đầu tư xây dựng các công trình trên đất bao gồm phòng trưng bày và xưởng sửa chữa ô tô với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Tấn Đạt Phát cũng đã trả 100% giá trị hợp đồng thuê đất cho Amata Biên Hòa, bao gồm thuế và lãi trả chậm, tiền đất thô và các khoản phí… Tổng đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 8/12/2015, Sở TN&MT Đồng Nai lại ban hành quyết định thu hồi GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất số BG788168, đã cấp cho Công ty Tấn Đạt Phát hồi năm 2011. Lý do thu hồi GCN mà cơ quan thẩm quyền đưa ra là: Công ty Cổ phần Amata Việt Nam thuê đất trả tiền hàng năm thì không được thực hiện quyền cho Công ty TNHH ô tô Tấn Đạt Phát thuê lại đất; đồng thời căn cứ Điều 106 Luật Đất đai 2013, Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2014 thì trường hợp nêu trên phải thực hiện thủ tục thu hồi GCN với lý do không đủ điều kiện được cấp GCN.
Sau đó, Amata Biên Hòa nộp thuế một lần cho tổng diện tích 8.420m2 (đất mà công ty này đã cho Công ty Tấn Đạt Phát thuê) cho Nhà nước và đã tiến hành ký lại Hợp đồng thuê đất với Công ty Tấn Đạt Phát. Trong đó, Điều 4 của hợp đồng này có nêu rõ: “Bên Cho Thuê (Amata Biên Hòa) đồng ý thực hiện thủ tục xin cấp GCN quyền sử dụng cho Bên Thuê (Công ty Tấn Đạt Phát) trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng”.
Điều 4 của Hợp đồng thuê đất có nêu rõ: Amata Biên Hòa đồng ý thực hiện thủ tục xin cấp GCN quyền sử dụng Công ty Tấn Đạt Phát trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng.
Thực hiện điều khoản nêu trong Hợp đồng thuê đất đã ký, phía Amata Biên Hòa đã làm thủ tục xin cấp GCN quyền sử dụng đất cho Công ty Tấn Đạt Phát. Thế nhưng, khi Sở TN&MT Đồng Nai cấp lại GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cơ quan này chỉ cấp nội dung sở hữu tài sản trên thửa đất thuê của Amata Biên Hòa, không chứng nhận quyền sử dụng phần diện tích 8.420 m2 đất mà Công ty Tấn Đạt Phát thuê.
Sự việc trên khiến Công ty Tấn Đạt Phát rơi vào cảnh khó khăn trăm bề khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn không thể có GCN quyền sử dụng đất “đúng nghĩa” để thế chấp ngân hàng, vay vốn làm ăn. Đáng nói, khi gặp “trục trặc” liên quan đến GCN quyền sử dụng đất, Công ty Tấn Phát Đạt lại phải tự mình “chạy đôn chạy đáo” tìm cách tháo gỡ.
“Đại diện Amata cho rằng, Amata đã thực hiện xong nghĩa vụ quy định tại Điều 4 của Hợp đồng nhưng không giải thích được vì sao cái gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Amata đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho Tấn Đạt Phát lại không được ngân hàng chấp nhận thế chấp quyền sử dụng đất và cả tài sản trên đất khi Tấn Đạt Phát đi vay. Do vậy đây là cách Amata đánh tráo khái niệm giữa mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bản chất đích thực của quyền sử dụng đất vì theo quy định tại điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì người có quyền sử dụng đất sẽ có 8 quyền trong đó có quyền thế chấp”, ông Phát nói.
Theo tìm hiểu, để “gỡ rối” cho Công ty Tấn Đạt Phát, các cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai cũng đã có nhiều văn bản liên quan đến việc giải quyết kiến nghị cấp GCN quyền sử dụng đất thuê lại tại khu thương mại Amata, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
Trong đó, tại văn bản số 1642/STNMT-CCQLĐĐ (ban hành ngày 30/3/2017) mà Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai gửi đến UBND tỉnh này báo cáo về việc xử lý cấp GCN quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Ô tô Tấn Đạt Phát thuê lại đất tại Khu thương mại Amata, có nêu rõ: “Để có cơ sở xử lý đề nghị cấp GCN quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị: Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Ô tô Tấn Đạt Phát (thay cho Hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), trên cơ sở đó Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND tỉnh lập thủ tục thu hồi đất đã cho Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa thuê và cho Công ty TNHH Ô tô Tấn Đạt Phát thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Ô tô Tấn Đạt Phát”.
Phía Amata Biên Hòa cho biết, ngoài tiền thuê đất mà Công ty Tấn Đạt Phát đã trả theo Hợp đồng thuê đất thì Công ty Tấn Đạt Phát phải trả cho Amata Biên Hòa thêm 54 tỷ đồng thì Amata Biên Hòa mới chấp chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty Tấn Đạt Phát.
Mặt khác, tại cuộc họp do Ban hành động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai chủ trì với sự tham dự của Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, Sở KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng, Thuế cùng đại diện Amata Biên Hòa và Công ty Tấn Đạt Phát, các bên cũng đã thống nhất theo 2 phương án. Cụ thể: một là Công ty Amata Biên Hòa chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tấn Đạt Phát hoặc thay đổi nội dung trong giấy phép đầu tư; hai là đề xuất cho Công ty Tấn Đạt Phát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như các doanh nghiệp đóng tiền thuê đất một lần cho 50 năm.
Thế nhưng, khi mọi chuyện tưởng chừng ổn thỏa thì ngày 2/7/2018, phía Amata Biên Hòa bất ngờ gửi văn bản đến Công ty Tấn Đạt Phát, nêu rõ điều kiện tiên quyết để chuyển nhượng là: ngoài tiền thuê đất mà Công ty Tấn Đạt Phát đã trả theo Hợp đồng thuê đất thì Công ty Tấn Đạt Phát phải trả cho Amata Biên Hòa thêm 54 tỷ đồng thì Amata Biên Hòa mới chấp chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty Tấn Đạt Phát.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.