Sắp xử vụ 'người mẹ ôsin bị mất nhà'

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, sáng 26-2 tới, phiên tòa phúc thẩm vụ 'tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất' sẽ được mở.

Thẩm phán Phạm Hùng Nuôi được phân công làm chủ tọa phiên tòa. Nguyên đơn là chị Võ Thanh Thúy (SN 1974, HKTT: X.Trung Bình, H.Trần Đề), hiện làm nghề giúp việc tại TP.Hồ Chí Minh đã kháng cáo bản án sơ thẩm trước đó của TAND H.Trần Đề (Sóc Trăng).

Theo hồ sơ vụ việc, năm 1990, chị Thúy và anh Lữ Văn Thụy (SN 1972, ngụ cùng địa phương) tổ chức cưới sau thời gian tìm hiểu. Năm 1991 và 1992, lần lượt hai đứa con của họ ra đời. Năm 1993, cha mẹ chồng cho hai vợ chồng anh Thụy - chị Thúy căn nhà cấp 4, diện tích 108m2 (nay là số 067 ấp Chợ, X.Trung Bình, H.Trần Đề). Năm 2008, anh Thụy nhờ người làm thủ tục để được cấp sổ đỏ. Vì đơn giản nghĩ là tài sản chung của cả vợ chồng nên chị Thúy nói rằng, ai đứng tên trên sổ đỏ cũng được, không cần phải ghi cả hai người.

Ngày 23-9-2008, anh Thụy cần tiền nên vay của bà Nguyễn Kim Loan 40 triệu đồng. Nhưng thật ra, anh chỉ nhận được 34 triệu đồng vì bà Loan đã "hớt" trước một tháng tiền lãi (là 6 triệu đồng). Bù lại, anh Thụy một mình cầm sổ đỏ và lấy hợp đồng chuyển nhượng (do bà Loan đưa), tự mình ghi chép rồi lên UBND X.Trung Bình (H.Trần Đề) để chứng thực. Anh Thụy thừa nhận một mình ký, ghi họ tên thay vợ và ký tên cả... bên nhận chuyển nhượng (là bà Loan).

Kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an (ngày 2-11-2016) cho thấy, chữ ký bên nhận chuyển nhượng không phải của bà Loan, phù hợp với lời khai của anh Thụy. Suốt thời gian này, chị Thúy và hai con không hề hay biết.

Dựa vào hợp đồng chuyển nhượng này, đến ngày 19-8-2009, bà Loan đăng bộ và ngày 9-12- 2010 đã sang tên chủ sở hữu. Đầu năm 2014, khi phát hiện sự việc, chị Thúy đã kiện bà Loan ra tòa. Bản án sơ thẩm dù đã tuyên thua cuộc nhưng chị Thúy đã kháng cáo ra TAND tỉnh Sóc Trăng.

Chị Thúy với xấp đơn kêu cứu

Chị Thúy với xấp đơn kêu cứu

Chị Thúy bức xúc cho rằng, bản án dân sự đã bỏ quên nhiều chứng cứ, có dấu hiệu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chị và các con. "Hợp đồng chuyển nhượng ngày 23-9-2008 giữa anh Thụy và bà Loan có chứng thực của UBND X.Trung Bình là gian dối, giả tạo và bất hợp pháp. Lý do là bà Loan không nhận chuyển nhượng vì bà này không ký tên, không tới UBND xã ký, không có thỏa thuận giao dịch, thanh toán tiền với anh Thụy và chỉ cho anh Thụy vay tiền (nhưng không ghi giấy vay)...

Điều này thể hiện rõ trong kết quả giám định nhưng tòa sơ thẩm đã bỏ qua chứng cứ này, không xem xét. Hình thức, nội dung của hợp đồng đều sai, không đúng theo pháp luật là phải công chứng, chứng thực. Ngay tại tòa sơ thẩm ngày 1-11-2019, anh Thụy cũng trình bày là do không hiểu biết nên ký... cả hai bên mua và bán", chị Thúy nói.

Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm cho rằng, căn nhà của anh Thụy "gán" cho bà Loan là tài sản riêng của anh Thụy. Điều này là sai vì bản thu thập chứng cứ của tòa sơ thẩm thể hiện rõ, cha mẹ chồng của chị Thúy đã cho chung căn nhà cho hai vợ chồng chị Thúy và hai cháu nội.

Thực tế cuộc sống và các quy định của pháp luật đều thể hiện đó là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Việc anh Thụy tự mình mang chủ quyền căn nhà đi giao dịch hay cầm cố để vay tiền bà Loan là trái với ý chí tự nguyện của các đồng sở hữu, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Bởi vậy trong bản kháng cáo, chị Thúy yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng ngày 23-9-2008 giữa anh Thụy và bà Loan mà UBND X.Trung Bình đã chứng thực là trái pháp luật. Giao trả lại căn nhà và quyền sử dụng cho chị Thúy và bồi thường thiệt hại cho bị đơn, hủy sổ hồng đã cấp cho bà Loan.

Chị Thúy rơm rớm nước mắt, tỏ bày: "Do không có cái chữ nên tôi phải xa nhà biền biệt, đi ở cho người ta, mong có thêm thu nhập lo cho các con. Vậy mà chồng tôi đã làm ra nông nỗi này. Rồi mai này, các con tôi sẽ phải tá túc ở đâu đây khi tương lai các cháu còn dài. Cũng may, bà chủ nhà biết việc nên hỗ trợ tôi đi kiện chứ không thì gia đình tôi đã mất nhà rồi. Vì các con, tôi phải sống và tin rằng pháp luật sẽ được thực thi...".

Luật sư Lê Khắc Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hợp đồng chuyển nhượng ngày 23-9- 2008 giữa anh Thụy và bà Loan là vô hiệu theo quy định tại Điều 129, Bộ luật Dân sự 2015 vì "giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức".

Dư luận tin tưởng vào công lý, kết quả của bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng sắp tới sẽ xét xử khách quan, công bằng để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.

An Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/sap-xu-vu-nguoi-me-osin-bi-mat-nha_87984.html