Sapa: Quặn lòng cảnh những bé em bị ép ra đường bán hàng trong giá lạnh
Gần đây, trên một số tuyến đường ở trung tâm du lịch Sapa (tỉnh Lào Cai), khách du lịch rất dễ bắt gặp hình ảnh những trẻ em mới chỉ tầm 3-5 tuổi, hoặc 6-7 tuổi nhưng địu em mới vài tháng tuổi bán đồ lưu niệm trong thời tiết lạnh giá.
Những em bé ngồi bán hàng trong mưa lạnh.
Những em bé còn rất nhỏ tuổi ấy, được mặc các bộ quần áo, mũ...của người dân tộc rất đẹp mắt. Mỗi em ngồi cách nhau khoảng 2-3 mét. Có em mới chỉ 5-6 tuổi nhưng bế theo em hoặc địu em có thể chỉ vài tháng tuổi sau lưng, ngồi bày bán những vật lưu niệm bằng vải thổ cẩm nhỏ xíu hình các con vật: Tôm, cá...hoặc túi thổ cẩm.
Điều đáng nói là các em ngồi bán đồ trong thời tiết rất giá lạnh. Nhiều khách du lịch thương cảm đã mua hoặc cho tiền các em, nhưng họ đã rơi vào "bẫy" của những người lớn đứng phía sau.
Một khách du lịch mua hàng cho một bé gái.
Lợi dụng tâm lý yêu trẻ, thương người của nhiều du khách các nơi, khá nhiều người lớn, được cho là người thân của các em bé này đã đưa con cái còn rất nhỏ của mình ra ngồi bày bán. Còn họ ngồi phía sau, ở những gốc cây, chỗ khuất để mỗi khi các bé bán hết hàng thì lại đưa hàng ra để các cháu bán tiếp và thu tiền về.
Khi có khách du lịch tỏ ý thương trẻ, muốn mua hàng, đôi khi có những bé khác, hoặc người lớn bế trẻ chạy lại, xúm xít chào bán, chèo kéo khách du lịch.
Nhiều khách du lịch, ở thời điểm này, đại đa số là người Việt ở các tỉnh, thành phố lên Sapa chơi thực ra không có nhu cầu mua những mặt hàng lưu niệm đó nhưng vì thương các bé phải "mưu sinh" trong thời tiết lạnh giá nên đã mua một thứ đồ gì đó, hoặc không mua nhưng đã cho tiền các bé từ vài chục đến 1-200 ngàn đồng.
Những em bé chỉ tầm 2-3 tuổi, xinh xắn như thế này thực chất là "mồi câu" của người lớn với du khách.
Khi biết được rằng mình có thể đã bị lừa dối, Trịnh Thu Nga, một khách du lịch từ Hà Nội lên tỏ ý giận dữ: "Thật không thể nào chịu được. Họ lại có thể đang tâm đưa các em nhỏ thậm chí mới vài tháng tuổi ra làm 'mồi câu' khách du lịch".
"Họ đã lợi dụng chính những đứa con của mình để kiếm tiền mà bất chấp nguy cơ các bé có thể bị viêm họng, viêm phổi, nguy hiểm đến sức khỏe do phải ngồi hàng tiếng đồng hồ trong gió lạnh như vậy. Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại để tình trạng này diễn ra", chị Nga bức xúc.
Đôi khi có những em bé đã thấm mệt, chán với việc bán hàng khóc lóc đòi về nhà thì mẹ chúng lập tức ra vỗ về để chúng có thể tiếp tục bán.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng trên đã kéo dài khá lâu mà chính quyền thị xã Sapa vẫn chưa thể giải quyết được do câu chuyện tưởng đơn giản nhưng khá phức tạp. Vì những em bé và những người được cho là các bà mẹ, người thân của các em là người dân tộc nên cán bộ, nhân viên quản lý nhà nước không thể mạnh tay xử lý.
Một bé trai địu em đi bán hàng cho mẹ.
"Chúng tôi rất khó xử với việc này. Bởi nếu có việc giữ, phạt người (người lớn) hay giằng co, ngay lập tức có rất nhiều ống kính, máy ảnh của khách du lịch, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài hướng vào và câu chuyện có thể bị hiểu đi theo chiều hướng khác", một cán bộ Thị xã Sapa cho biết.
Đội tuyên truyền của thị xã đã liên tục phải cho xe đi kêu gọi, nhắc nhở các bà mẹ không cho con nhỏ đi bán hàng và vận động khách du lịch không mua hàng cho trẻ để tránh cho các bé bị lợi dụng.
Cho nên, giải pháp hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước tại đây vẫn là tuyên truyền, vận động khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của trẻ em để tránh tình trạng lạm dụng trẻ, chèo kéo khách.
Ông Trần Văn Thơ, cán bộ đội tuyên truyền đang phát loa kêu gọi khách du lịch không mua hàng của trẻ nhỏ.
Theo ông Trần Văn Thơ - một cán bộ thuộc đội tuyên truyền, hàng ngày ông và các thành viên trong đội (khoảng 10 người) vẫn liên tục đi xe, gọi loa thông báo, vận động khách du lịch không mua đồ của các em bé nói trên. Nhưng tình trạng đó đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Hoàng Anh (bài, ảnh)