Sasikumar: 'Tôi từng muốn đưa Quang Hải sang Tây Ban Nha'
Sasikumar Ramu, cựu trung vệ Singapore, ấn tượng với tài năng của Nguyễn Quang Hải. Ông từng muốn đưa ngôi sao này sang Tây Ban Nha nhưng không thành công.
Sau khi giải nghệ, Sasikumar vẫn tiếp tục làm những công việc liên quan đến bóng đá. Ông hiện là giám đốc một công ty quản lý thể thao ở quê nhà và làm các dự án bóng đá ở Tây Ban Nha.
Đó là lý do Sasikumar đưa Quang Hải vào "tầm ngắm". Tuy nhiên, tiền vệ tuyển Việt Nam quyết định chọn Pau FC.
Trong cuộc trò chuyện với Zing, Sasikumar chia sẻ nhiều điều về bóng đá Singapore và Đông Nam Á.
Bóng đá Singapore đi xuống
- Sau 12 năm, tuyển Việt Nam và Singapore mới lại đối đầu ở AFF Cup. Anh có đánh giá gì về tương quan hai đội?
- Trận đấu giữa Việt Nam và Singapore luôn thú vị. Ở thời của tôi, có thể chúng tôi mạnh hơn Việt Nam một chút nhưng trong 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua Singapore về nhiều mặt. Vì vậy, Việt Nam rõ ràng là sáng cửa hơn. Singapore là đội chiếu dưới. Dù khi được thi đấu trên sân nhà, chúng tôi có lẽ cũng phải chạy theo bóng. Việt Nam đã làm được nhiều điều tuyệt ở châu Á.
Tôi nghĩ rằng Singapore phòng thủ chặt với càng nhiều cầu thủ ở phần sân nhà càng tốt. Singapore sẽ hy vọng vào những tình huống phản công để gây bất ngờ cho tuyển Việt Nam. Tôi không nhìn ra được Singapore sẽ chơi theo cách nào khác
Trên hết, tôi không nghĩ Singapore có đội hình chất lượng như Việt Nam. Chúng tôi không có các cầu thủ có thể chơi thứ bóng đá như vậy và đặc biệt là trước Việt Nam. Có lẽ, bạn cũng không muốn mạo hiểm như vậy nếu không muốn gặp rắc rối, đúng chứ?
- Tuyển Singapore có HLV cũ là người Nhật Bản, sau đó lại bổ nhiệm HLV nội và giờ tiếp tục dùng HLV Nhật Bản. Vậy đâu là sự khác biệt?
- Cựu huấn luyện viên Tatsuma là đồng đội cũ của tôi. Khi Singapore bổ nhiệm anh ấy, tôi hơi ngạc nhiên vì anh ấy chỉ làm ở J2 League, không có nhiều kinh nghiệm về nắm đội tuyển quốc gia. Nhưng tôi phải nói rằng anh ấy đã khiến cả đội gắn kết.
Tatsuma đã có một số thành công. Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ thuê một huấn luyện viên giỏi hơn sau khi anh ấy rời đi nhưng những gì chúng tôi có còn tệ hơn thế. Chúng tôi có một huấn luyện viên không có kinh nghiệm chuyên môn, không có kinh nghiệm quốc tế.
Vì vậy, khi đối đầu HLV Park Hang-seo, người đã đạt được nhiều thứ, tôi không nghĩ Singapore có lợi thế. Tôi nghĩ phải may mắn thì Singapore mới giành chiến thắng.
Đối với tôi, không có sự khác biệt lớn giữa HLV cũ và HLV hiện tại. Đây là giải đấu chính thức đầu tiên của HLV mới. Nhưng nếu Singapore muốn đạt được điều gì đó ở cấp độ quốc tế, chúng tôi cần phải đưa về một huấn luyện viên có trình độ cao hơn nhiều.
- Ngoài HLV, Singapore cần chú trọng vào điều gì để cải thiện nền bóng đá?
- Rất khó để trả lời câu hỏi này bởi ưu tiên ở Singapore không phải là thể thao. Nếu muốn thế hệ tiếp theo giỏi hơn, chúng ta cần phải ở một môi trường có nhiều va chạm như châu Âu.
Vậy nên, giờ tôi sống ở châu Âu với hai cậu con trai. Chúng đang chơi trong một học viện ở châu Âu vì chúng muốn theo đuổi cuộc sống ăn tập bóng đá. Khi bạn muốn theo đuổi một giấc mơ, bạn muốn trở thành một người chuyên nghiệp, bạn muốn đứng đầu cuộc chơi, bạn không thể ở đây (trong nước).
Ví dụ, nếu các cầu thủ Việt Nam muốn trở thành cầu thủ hay nhất châu Á, họ không thể ở lại Việt Nam. Điều đó là không thể ngay cả Việt Nam cũng đang làm rất tốt trong ASEAN. Nhưng họ cần phải đặt mục tiêu cao hơn, phải là Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, ở đâu đó.
Đối với chúng tôi cũng vậy. Ở Singapore hiện tại, cầu thủ hay nhất của chúng tôi đang chơi ở Thái Lan, đúng chứ? Và bây giờ chúng tôi có một cầu thủ ở châu Âu. Để thay đổi toàn bộ nền văn hóa bóng đá này, chúng tôi cần có thể là 10, 15, 20 cầu thủ chơi ở châu Âu.
Giải đấu của Singapore cũng không tốt. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể thay đổi gì nhiều ở đây. Nhưng chúng tôi có thể gửi các cầu thủ của mình ra nước ngoài. Rất nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ lên chuyên. Họ sẽ gửi con mình ra nước ngoài. Họ có tiền để tài trợ cho chúng.
Chính phủ cũng đang cố gắng thực hiện một số thay đổi nhưng hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Ít nhất là đang có một số dự án đang được triển khai. Nhưng chúng tôi vẫn còn kém xa Việt Nam và Thái Lan.
- Bóng đá Việt Nam có rất nhiều cầu thủ tài năng muốn chơi ở châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc. Làm thế nào để thúc đẩy điều này? Tương tự là với Indonesia, Singapore...
- Các con trai của tôi, hiện 9 và 11 tuổi. Đối với một học viện ở Tây Ban Nha hoặc châu Âu, bạn cần phải đưa các cầu thủ đến đó sớm. Tại đây, rất khó để cử một người nào đó 18 - 19 tuổi đến và cạnh tranh với những cầu thủ trẻ. Khi bạn ở tuổi 18, 19, bạn đặt chân đến châu Âu và nói cố gắng kiếm được một hợp đồng chuyên nghiệp, thực sự rất khó bởi các cầu thủ hàng đầu châu Phi, Nam Mỹ cũng đến. Ngoài ra, họ còn có những tài năng bản địa.
Như vậy, cầu thủ Đông Nam Á chỉ đứng thứ 4, 5 trong thứ tự ưu tiên. Rất khó để cạnh tranh đấy.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự khởi đầu phải ở độ tuổi 10, 11, 12 tuổi và phát triển theo hệ thống. Đây là cách duy nhất tôi thấy rằng sẽ tạo ra được đột phá. Chúng ta cần tìm một kế hoạch để đưa họ đến châu Âu từ sớm.
'Quang Hải chưa đạt đẳng cấp để đến La Liga'
- Với tư cách là một người quản lý bóng đá, anh đang làm gì để cải thiện hoặc kết nối bóng đá trong khu vực?
- Chúng tôi hiện làm việc với La Liga để tạo ra một trong những giải đấu trẻ lớn nhất châu Á. Tại sao chúng tôi làm điều đó? Bởi vì chúng tôi đang tìm kiếm tài năng trẻ.
Tôi cũng đang tìm kiếm một cầu thủ Việt Nam để tham dự một trong những giải đấu ở châu Âu. Nhiều đội ở châu Âu muốn tìm cầu thủ châu Á. Họ muốn mở rộng thị trường sang châu Á và cả Đông Nam Á. Tôi tin rằng mình có thể tìm được cầu thủ Việt Nam, Indonesia và Thái Lan cho dự án này.
- Quang Hải, một trong những cầu thủ tài năng nhất Việt Nam, đã có tin đồn chuyển đến La Liga. Đó là chuyện hai hoặc ba năm trước nhưng bây giờ anh ấy đang chơi ở giải hạng Hai ở Pháp. Ông nghĩ gì về thương vụ này?
- Thực tế, Quang Hải là một trong những cầu thủ mà tôi đã theo dõi để xem có thể đưa cậu ấy đến Tây Ban Nha hay không. Thành thật mà nói, cậu ấy đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi và một vài câu lạc bộ thực sự quan tâm. Nhưng đó không phải các CLB La Liga vì họ không thể nào dành một suất cầu thủ nước ngoài cho một cầu thủ Việt Nam được. Và Quang Hải chưa đạt đến đẳng cấp đó.
Tôi nghĩ giải hạng Nhì hoặc hạng Ba Tây Ban Nha cũng rất chất lượng và cậu ấy có thể chơi ở đó. Nhưng cậu ấy quyết định đến Pau FC ở Pháp. Ligue 2 không phải một giải đấu dễ chơi. Mọi người nói đó chỉ là giải hạng Hai của Pháp. Nhưng có rất nhiều cầu thủ tài năng ở đó đấy. Đừng quên, rất nhiều cầu thủ châu Phi cũng đến đó. Đúng không?
Vì vậy, Quang Hải đang đối đầu với rất nhiều tài năng. Tôi nghĩ cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời. Cậu ấy tạo ra sự khác biệt cho Việt Nam hoặc bất cứ nơi nào cậu ấy chơi.
Cậu ấy cần tìm một điểm đến tốt hơn ở những năm chín nhất sự nghiệp. Một vài năm nữa, có khi cậu ta bắt đầu đi xuống rồi. Tôi thực sự thích cậu ấy với tư cách một cầu thủ nhưng tôi thích làm việc với các cầu thủ trẻ hơn.
- Vậy các giải Nhật Bản, Hàn Quốc thì sao?
- Đó là điểm đến thiết thực hơn. Chúng ta đã thấy những người như Chanathip làm rất tốt ở Nhật Bản. Và tôi biết J1 League đang làm rất nhiều để đưa các cầu thủ Đông Nam Á đến đó. Họ khá thông minh để làm điều này.
J1 League hay K League 1 là điểm dừng chân của rất nhiều cầu thủ Đông Nam Á. Chúng ta đã thấy rất nhiều cầu thủ Indonesia đến Hàn Quốc nhờ HLV Shin Tae-yong. Đó là một dấu hiệu tốt. Bạn cần những HLV có thể mở ra cánh cửa cho các cầu thủ.
Điều này trở lại với quan điểm khác của tôi về HLV người Nhật Bản của chúng tôi. Nếu anh ta không quá nổi tiếng, anh ta không thể nhấc điện thoại lên và nói rằng: "Tôi có một cầu thủ thực sự giỏi, bạn sẽ đưa anh ta vào đội chứ?".
Bạn có thể thấy HLV Shin đã làm điều đó. Hai hoặc ba cầu thủ Indonesia được ông ta đưa đến Hàn Quốc. Vì vậy, ông ta tin tưởng họ và tất nhiên ông ta muốn họ chơi ở Hàn Quốc. Khi họ trở lại và chơi cho tuyển Indonesia, họ rất mạnh mẽ.
Tôi nghĩ đây là chiêu rất hay. Nếu điều này còn tiếp diễn, mọi chuyện sẽ rất thú vị.
- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.