Sát cánh cùng doanh nghiệp trước biến động thị trường

Nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đã và đang đem lại niềm hy vọng mới, đưa kinh tế dần đi vào quỹ đạo thích ứng tốt với biến động thị trường.

Các doanh nghiệp sản xuất ngành gỗ nỗ lực duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn

Các doanh nghiệp sản xuất ngành gỗ nỗ lực duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn

Dự lường khó khăn

Theo đánh giá của bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 duy trì tăng trưởng ổn định, tuy nhiên các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày) cũng đang gặp một số khó khăn do nguyên phụ liệu sản xuất thiếu hụt. Lạm phát tại các thị trường tiêu thụ đều tăng cao làm ảnh hưởng sức mua, đơn hàng và đơn giá của DN đều sụt giảm trong quý III và IV năm 2022. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023 đơn hàng xuất khẩu tuy có tăng nhưng còn thấp hơn so với cùng kỳ do tiêu dùng trên thế giới chưa phục hồi.

Đối với ngành gỗ hiện nay, vấn đề đặt ra là xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất và cụ thể là mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm sang thị trường Hoa Kỳ có trở lại thời hoàng kim trong dịch bệnh Covid-19? Các DN cho rằng việc này phụ thuộc vào người mua nhà và thuê nhà. Người mua nhà và thuê nhà họ vẫn dùng tiền vay, lãi suất tăng lên, do đó họ cũng hạn chế mua mới hay thuê mới. Những lý do này khiến cho xây dựng nhà cửa giảm xuống, nhà bán cũng giảm xuống. Dẫn đến nhu cầu về dòng đồ gỗ nội thất cũng giảm theo.

“Dự kiến phải cuối năm 2023, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ có trở về thời kỳ hoàng kim như năm 2021 không, việc này là không dễ. Bởi lẽ, giai đoạn bán hàng tốt nhất tại thị trường này đã qua”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định.

Dù vậy, vẫn có những phân khúc thị trường dù tăng trưởng không cao nhưng vẫn duy trì đơn hàng. Ông Nguyễn Liêm cho biết đồ nội thất nhà tắm có 2 dòng phân khúc tiêu thụ gồm mua mới và phân khúc thay thế. Về cơ bản, phân khúc giá rẻ sẽ khó bán, còn phân khúc giá cao vẫn bán ở mức độ tốt hơn. Đối với mặt hàng tủ bếp cũng tương tự, họ chỉ giảm xây dựng chứ không phải không xây dựng. Nhà giàu họ vẫn xây và thay mới, nhưng mức mua sắm có giảm đôi chút.

Không nằm ngoài tình trạng khó khăn, Hiệp hội Dệt may tỉnh cũng cho rằng dệt may cũng là ngành đang phải đối mặt với tác động từ tình trạng lạm phát trên thế giới. Dù ngay trong tháng 1 và 2-2023, người lao động ngành dệt may đã hăng hái bắt tay vào sản xuất, nhiều đơn vị đã có đơn hàng hết quý I nhưng ngành cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng bị sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao... Theo dự báo, đối với ngành dệt may, tổng cầu thế giới năm 2023 chỉ tăng trưởng từ 2,5 - 4% (tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước). Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu.

Dự báo các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý II năm nay, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Với ngành sợi, thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay. Lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, nhiều DN đã đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.

Tháo gỡ kịp thời

Theo Sở Công thương, về đơn hàng xuất khẩu, từ quý III-2022 trở lại đây, các DN xuất khẩu nói chung và các ngành hàng xuất khẩu chủ lực (gỗ, dệt may, da giày, gốm sứ) thiếu đơn hàng xuất khẩu hoặc đối tác giãn thời gian giao hàng, do nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm mạnh. Một số DN đã dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do đơn hàng ít.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, thời gian tới Sở Công thương tăng cường phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án xúc tiến thương mại quốc gia và của địa phương. Tập trung và các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, có thế mạnh. Triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại do Bộ Công thương xây dựng; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh (sản phẩm gỗ, gốm sứ, nông sản,…); thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới; hoàn thiện chính sách hỗ trợ và thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công, hỗ trợ DN.

Sở Công thương phối hợp với thương vụ, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương thường xuyên thông tin về tình hình cung cầu thị trường, cung cấp cho các DN các mặt hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mới, có tiềm năng. Thường xuyên nắm bắt tình hình khó khăn vướng mắc của các DN xuất khẩu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng… Tăng cường công tác thu hút đầu tư ngành công nghiệp cơ bản và ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; khuyến khích phát triển dịch vụ logistics; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm khai thác tối đa chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 4,5 tỷ đô la Mỹ, giảm 18,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3,6 tỷ đô la Mỹ, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 11,6 tỷ đô la Mỹ, chiếm 33,5% và tăng 2,7% so với cùng kỳ; thị trường EU đạt 3,7 tỷ đô la Mỹ, tương ứng chiếm 10,6% và tăng 7%; Nhật Bản đạt 3,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 10,2% và tăng 5,6%; Hàn Quốc đạt 3,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 9,4% và tăng 5,7%; Đài Loan đạt 2,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 7,7% và tăng 3,2%; Hồng Kông đạt 2,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 7,3% và tăng 2,4%.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/sat-canh-cung-doanh-nghiep-truoc-bien-dong-thi-truong-a292767.html