Sát cánh cùng nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn các tỉnh miền Trung có mưa to kéo dài dẫn đến tình trạng ngập úng, sạt lở đất làm hư hỏng nhiều công trình an sinh xã hội, nhà cửa của nhân dân. Trước tình hình đó, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới, bờ biển đã duy trì nghiêm quân số, phương tiện thường trực, chủ động hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Quân, dân chủ động ứng phó thiên tai
Trước thông tin dự báo, đợt áp thấp nhiệt đới có diễn biến phức tạp, có thể gây gió to trên biển, mưa lớn ở đất liền, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới, nhất là các đơn vị tại khu vực miền Trung làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Quán triệt sự chỉ đạo của cấp trên và chính quyền địa phương, BĐBP các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã duy trì nghiêm quân số, phương tiện ứng trực. Tại cơ quan các Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đều duy trì nghiêm chế độ trực, báo cáo, nắm tình hình, thành lập các tổ cơ động, sẵn sàng nhận lệnh lên đường thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp.
Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh cũng đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển sử dụng hệ thống thông tin, liên lạc kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền của địa phương đang hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ hoặc di chuyển, tránh những khu vực nguy hiểm. Còn các đồn Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền triển khai các tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương xuống những khu vực xung yếu để tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai.
Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền để nhân dân không vào rừng, không đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối... trong điều kiện có mưa lũ, tránh để tổn thất về tính mạng. Bên cạnh đó, BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới khảo sát thực tế, lên phương án và hỗ trợ các gia đình đang sinh sống ở những vị trí nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Tổ chức cắm biển cảnh báo, cử lực lượng chốt chặn, không để nhân dân đi qua tuyến đường bị ngập sâu, có nguy cơ sạt lở đất, đá.
Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị duy trì 100% quân số trực cùng các phương tiện, trên cơ sở đó, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó. Cùng với đơn vị cơ sở, còn có 120 cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường trực, sẵn sàng cơ động lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp. Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác hậu cần tại đơn vị và sẵn sàng hỗ trợ nhân dân trong điều kiện bị cô lập dài ngày”.
Thực tế cho thấy, trong đợt mưa lớn kéo dài, BĐBP các tỉnh miền Trung đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời trên 50 hộ dân với 357 nhân khẩu ra khỏi những vị trí xung yếu. Điển hình như, ngày 27/9, Đồn Biên phòng Pù Nhi, BĐBP Thanh Hóa đã tổ chức vận động, di dời 6 hộ dân /21 khẩu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở đất; Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An đã tổ chức đưa 27 hộ/68 nhân khẩu trên địa bàn ra khỏi vùng nguy cơ bị ngập úng; Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh điều động 40 cán bộ, chiến sĩ chốt chặn tại các vị trí trên quốc lộ 8A, không để phương tiện qua lại khi tuyến đường bị sạt lở đất, đá...
Hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả
Dù chính quyền địa phương, BĐBP đã triển khai các phương án, làm tốt công tác chuẩn bị, nhưng đợt mưa, lũ vẫn gây ra cho nhân dân biên giới một số tổn thất nhất định. Có nhiều công trình an sinh xã hội, nhà cửa của nhân dân bị hư hại, ngập lụt. Trong đó, địa bàn biên giới hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa chịu thiệt hại lớn nhất, nhiều tuyến đường giao thông nối trung tâm huyện với các xã biên giới bị sạt lở, chưa thể lưu thông được.
Cụ thể, tính đến ngày 29/7, trên khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa, có 17 hộ dân bị đất, đá sạt lở vào nhà. Còn tại địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An, mưa lũ, sạt lở đất làm 1 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 26 nhà bị đất đá tràn vào, 43 ngôi nhà khác bị ngập lụt và 135,9ha hoa màu bị hư hại.
Ngay trong thời điểm mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, các đơn vị thuộc BĐBP hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã tổ chức lực lượng bám địa bàn, hỗ trợ nhân dân khẩn trương di chuyển ra khỏi vị trí nguy hiểm. Sau khi mưa ngớt, lũ rút, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, báo cáo thiệt hại, đồng thời, duy trì, tăng cường lực lượng nhanh chóng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, các đơn vị, chính quyền địa phương tập trung nhân lực, nhanh chóng giải phóng đất, đá tại các điểm sạt lở trên các trục đường, đảm bảo giao thông đi lại. Hỗ trợ cán bộ, giáo viên vệ sinh trường học để đảm bảo việc dạy và học sớm được trở lại bình thường. Các đồn Biên phòng cũng tổ chức thăm hỏi, trích quỹ, lương thực, thực phẩm hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại nặng do mưa, lũ gây ra.
Do trên địa bàn khu vực biên giới phụ trách phải gánh chịu nhiều thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua, trong ngày 29/9, BĐBP Nghệ An đã duy trì trên 360 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đồn Biên phòng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An cho biết: “Mưa lớn kéo dài đã làm tuyến đường từ xã Nậm Càn ra trung tâm huyện Kỳ Sơn bị sạt lở nhiều điểm. Chúng tôi đã cử 20 cán bộ, chiến sĩ cùng với nhân dân địa phương tập trung giải phóng đất, đá, đảm bảo giao thông thông suốt để người dân đi lại bình thường”.
“Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An luôn phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đợt mưa, lũ vừa qua, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, di dời nhân dân ra khỏi vị trí nguy hiểm. Sau lũ, các đơn vị đang cùng chính quyền địa phương triển khai công tác giúp dân khắc phục thiệt hại, sớm đưa cuộc sống, sản xuất của nhân dân trở lại bình thường” - ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định.